Nghệ An: Các trường nghề gặp khó trong tuyển sinh

Minh Chi 03/10/2018 14:38

(Baonghean.vn) - Nội dung này được một số trường nghề trên địa bàn thành phố Vinh phản ánh với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sáng 3/10, tại buổi giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện một số chính sách XKLĐ trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo đó, tại Trường Cao đẳng Việt - Anh, tổng chỉ tiêu đào tạo qua các năm từ 2015 đến 2017 chỉ trên dưới 1.000 người; ngoài ngành Sư phạm mầm non đạt 100% chỉ tiêu thì các ngành còn lại như dược sĩ, điều dưỡng đạt 80%; kế toán, du lịch đạt 50% chỉ tiêu. Riêng hệ sơ cấp y tá và kỹ thuật chế biến món ăn chỉ đạt 30% chỉ tiêu.

Trước khó khăn đó, ngoài tuyển sinh để đào tạo cấp bằng, chứng chỉ tại trường, nhà trường cũng tăng cường liên kết các địa phương, bệnh viện để đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở một số ngành điều dưỡng, dược sĩ, văn thư - lưu trữ…; liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề theo nhu cầu lao động, XKLĐ.

Ông Phan Huy Hoàng - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Việt - Anh. Ảnh: Minh Chi
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Anh kiến nghị không nên giao chỉ tiêu đối với các trường nghề để tạo sự cạnh tranh bình đẳng. Ảnh: Minh Chi

Còn đối với Trường Trung cấp Việt - Úc, theo Hiệu trưởng Phan Trọng Hồng, trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, nhà trường thực sự bế tắc trong công tác tuyển sinh. Năm 2015 và 2017, mỗi năm chỉ tuyển được 1 lớp kế toán doanh nghiệp gồm 27 học sinh; riêng năm 2016 không tuyển sinh được.

Cũng theo ông Phan Trọng Hồng, từ tháng 6/2017 Trường Trung cấp Việt - Úc được chuyển đổi chủ đầu tư mới là Công ty Chính Minh Nghệ An tiếp nhận. Và hiện tại đơn vị đang nghiên cứu để định hướng lại hướng đi, ngành nghề đào tạo mới. Trước mắt, chủ đầu tư đang tổ chức mở trường mầm non, đồng thời phối hợp với các địa phương mở lớp sơ cấp văn thư hành chính với gần 100 người học.

Ông Phan Trọng Hồng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt - Úc
Ông Phan Trọng Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt - Úc cho rằng, trường đang bế tắc trong tuyển sinh. Ảnh: Minh Chi

Thông qua giám sát, đoàn cũng ghi nhận phản ánh tình trạng một số trường nghề trên tỉnh liên kết với các trường nghề ngoài tỉnh chỉ với vai trò là tuyển sinh “hộ” để đưa học sinh đi học ngoài tỉnh; trong khi đó trường nghề trên địa bàn mở rộng với số lượng khá nhiều lại không tuyển sinh được người học, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, đoàn giám sát cũng ghi nhận ý kiến từ trường nghề kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước không nên quy định chỉ tiêu đào tạo đối với trường nghề để tạo sự canh tranh bình đẳng.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đã ghi nhận những kiến nghị từ trường nghề, đồng thời khẳng định, xu hướng học nghề đang ngày một tăng lên, bởi vậy các trường cần chủ động nghiên cứu thị trường lao động để đa dạng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu người học, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Song song với đó, các trường cũng cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, tạo hiệu quả sau đào tạo, từ đó góp phần nâng thương hiệu, uy tín của nhà trường và thu hút người học.

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị các trường tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Ảnh: Minh Chi

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng lưu ý các trường nghề cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động tư vấn, ký kết đưa học sinh đi du học, đảm bảo quyền lợi của người học, đặc biệt là việc làm ổn định sau thời gian học tập.

Minh Chi