Vinh - thời gạch vụn

Thạch Quỳ 21/09/2023 08:16

(Baonghean.vn)- Vườn hoa Lê Mao ngày nay, xưa kia là một con đường trũng. Chính bọn học trò chúng tôi đã khiêng gạch vụn về đổ đầy con đường đó, rồi đắp đất lên trồng hoa, làm thành vườn hoa ngay từ ngày ấy.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô – Vinh, Báo Nghệ An xin trân trọng giới thiệu bài viết của cố nhà thơ Thạch Quỳ về căn nguyên ra đời của bài thơ “Gạch vụn thành Vinh” viết năm 1966 cũng như ký ức của ông về một thành phố Vinh của ngày… gạch vụn.

Bài viết được nhà thơ Thạch Quỳ thực hiện năm 2018.

Có thành phố nào như thành phố này không
Chưa thấy nhà cao chói lọi sắc hồng
Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn?

Tôi đến Vinh vào mùa hè năm 1957. Cuốc bộ từ Đô Lương, qua Truông Bồn, qua Nam Đàn, qua Hưng Nguyên, từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì đặt chân đến Vinh. Trước mắt tôi là những đống gạch vụn.

Gạch vụn chất cao từng đống sừng sững hai bên đường như những con đê. Lần đầu đến Vinh, tôi chẳng thấy thành, thấy phố ở đâu, chỉ thấy toàn gạch vụn. Gạch nằm trơ trụi hai bên bờ đường. Gạch lù lù từng đống nhô cao nằm khuất trong cỏ dại. Gạch sóng soài nằm chắn ngang đường lớn. Gạch ngoằn ngoèo như những vồng khoai chạy dài lẩn khuất trong các ngõ nhỏ. Đâu đâu cũng gạch. Cả thành phố ngổn ngang gạch vụn.

TP. Vinh hoang tàn sau 8 năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc. Ảnh TL
Đối với thành phố Vinh, ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi không thể có cái ấn tượng nào hơn là cái dấu ấn về gạch vụn. Vì thế, tôi không thể viết về Vinh mà không nói về gạch vụn! Ngỡ đến Vinh để nhìn thấy đống gạch vụn rồi quay về. Không dè, mùa hè năm ấy tôi lại thi đỗ vào trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Thế là duyên nợ của tôi với các đống gạch vụn của thành phố Vinh lại phải tiếp tục kéo dài. Tôi ở lại Vinh, mượn nhà dân làm nơi trọ học.
Chung cư D2 được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng từ thập kỷ 80, của thế kỷ trước. Đây là một trong những chung cư "già nua" nhất còn tồn tại ở thành phố Vinh, trên địa bàn phường Quang Trung.
Từ đó, ngày hai buổi đến trường, “chân trèo lên gạch vụn”, “dép cao su đặt lên cát lún” quẩn quanh qua mọi ngõ, ngách của thành phố đi về. Ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, bọn học trò chúng tôi hè nhau đi khiêng gạch vụn về để đắp nền gạch dưới chân cột cờ.

Nền gạch dưới chân cột cờ được chúng tôi đắp bằng gạch vụn, khum khum như hình cái mai rùa. Trên cái hình mai rùa gạch vụn ấy, chúng tôi lại dựng nghiêng những viên gạch lành kết thành ngôi sao năm cánh, quét vôi trắng xóa lên hình răng cưa, trông rất đẹp mắt.

Thành cổ Vinh xưa - năm 1908. Ảnh: sưu tầm

Cứ mỗi lần khiêng gạch vụn đổ ào xuống, tôi lại nghe xao xuyến tận trong lòng mình những âm thanh rạo rực. Bởi có cái hiện thực đó khơi gợi nên sau này các bạn đọc mới gặp câu thơ “Gạch vụn ùa nhau ôm lấy cột cờ” trong bài thơ “Gạch vụn thành Vinh”, tôi viết vào năm 1966.
Tuổi trẻ của tôi thật nhiều duyên nợ với gạch vụn thành Vinh.
Vườn hoa Lê Mao ngày nay, xưa kia là một con đường trũng. Chính bọn học trò chúng tôi đã khiêng gạch vụn về đổ đầy con đường đó, rồi đắp đất lên trồng hoa, làm thành vườn hoa ngay từ ngày ấy. Chúng tôi cũng đã ngồi đập gạch suốt cả mùa hè để đổ móng xây nhà cao tầng ở trụ sở Chỉ huy Quân khu 4 ở trước cửa Nhà hát nhân dân.

Bộ tưởng.jpg
Đồng chí Đỗ Mười, người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu chung cư Quang Trung (TP.Vinh) ngày 1-5-1974. Ảnh TL Nguyễn Hùng Sơn

Gạch vụn thời ấy, qua bàn tay lao động của thế hệ chúng tôi cũng góp phần xây bức tường cao bốn phía ở sân vận đông thành phố, ở thư viện, ở bệnh viện, ở Nhà hát nhân dân. Vì thế nên mới có các câu thơ :
Ta lớn rồi! Đâu phải buổi thơ ngây
Khẽ gạch tròn đánh đáo dưới hàng cây
Tặc lưỡi tiếc hoài từng viên gạch đổ
Nhìn phố, nhìn sông, gạch vụn chất đầy
Quả bom giặc đầu tiên cắn vào thân hình miền Bắc
Là ở Vinh. Gạch vụn đến công trường
Ôi! Gạch vụn xôn xao trèo lên gác
Những bậc thềm đại học, mái nhà thương…

Lực lượng vũ trang Nghệ An hướng dẫn cho xe qua phà Bến Thủy.
Lực lượng vũ trang Nghệ An hướng dẫn cho xe qua phà Bến Thủy. Ảnh tư liệu

Năm 1947, nhân dân ta đã tự tay đập bỏ thành phố xinh đẹp của quê hương mình để tiêu thổ kháng chiến. Với quyết tâm: “Thà làm gạch vụn để chờ nhau/ Quyết không chung trời đất với quân thù!”.

9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố Vinh không một bóng người, không một mái nhà, tất cả chỉ là một đống gạch vụn. Gạch vụn kiên gan nằm đợi người về, kiên gan chung thủy suốt gần 10 năm kháng chiến, những đống gạch vụn như vẫn nghiêng tai ngóng đợi bước chân những người thân yêu ra đi chưa hẹn ngày trở lại.

Người dân TP Vinh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

Bởi thế, khi đoàn quân chiến thắng trở về thì những con đường gạch vụn ở thành Vinh như bừng lên một sức sống mới: “Gạch xôn xao cựa quậy những sắc hồng” ! Ngày bộ đội trở về, các cháu nhỏ ra tận bờ sông Cửa Tiền để đón đợi đoàn quân. Cảnh tượng vui tươi và vô cùng cảm động.
Em nhỏ ném thia lia trên bến Cửa Tiền
Thấy bộ đội hành quân, cười, chạy lại
Ấy là Vinh. Một chiều nắng trải
Ta trở về tìm lại phố ta xưa
Gạch vụn ùa nhau ôm lấy cột cờ.

Thành phố Vinh những ngày đầu tái thiết. Ảnh tư liệu

Năm 1954, cùng đoàn quân thắng trận trở về, trên đống gạch vụn của thành phố đã hoàn toàn đổ nát, nhân dân ta từ hai bàn tay trắng lại bắt đầu gom nhặt, vun vén để xây dựng lại những căn nhà của mình. Một thành phố Vinh hoàn toàn mới mẻ. Một thành phố Vinh vô cùng kỳ lạ:

"Có thành phố nào như thành phố này không?" Một thành phố tất cả nhà cửa đều làm bằng nứa, lá, tranh, tre? Chen dày hai bên bờ đường Phan Đình Phùng, đường Quang Trung, đường Trần Phú… nhà tiếp nhà, vách sát vách, mái chạm mái, tất tật đều làm bằng tranh tre, nứa lá. Hẳn mọi người còn nhớ, trận hỏa hoạn năm 1961, ở thành phố Vinh có hàng trăm, hàng ngàn ngôi nhà bị bốc cháy, thành phố trơ lại trên một nền đất đen.

Ảnh tưu liệu

Quân dân thành Vinh lại bắt đầu một cuộc lao động mới. Một cuộc lao động và kiến thiết lại thành phố lần thứ 2. Từ đó, những ngôi nhà khang trang bắt đầu được cất lên. Nhà mậu dịch bách hóa 2 tầng ở ngã tư chợ Vinh, nhà bông vải sợi 3 tầng ở gần ngã sáu và lác đác trên các đường phố, những ngôi nhà của nhân dân đã bắt đầu đỏ au mái ngói.

Thành Vinh như cô gái đẹp, lại một phen nữa “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Ấy là lúc bom đạn giặc Mỹ bắt đầu trút xuống. Vinh là chảo lửa, là nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của chúng. Vì vậy, bài thơ về thành Vinh hãy còn tiếp tục. Gạch vụn thành Vinh lại tiếp tục kiên cường đối đầu cùng giặc Mỹ trong một thế trận mới.
Nay những nóc nhà xanh nhở nhăm vết đạn
Qua vết đạn thù ta thấy khoảng trời cao
Dù mười năm Hai mươi năm
Dù thành phố ta hóa thành gạch vụn
Gạch vụn về đây đắp lại chiến hào!
Như sắc mặt anh hùng bừng lên sắc đỏ
Sáng ngời lên gian-khổ-chiến-công
Thành phố anh hùng cười trong gạch đổ
Gạch xôn xao cựa quậy những sắc hồng…
Có thành phố nào như thành phố này không?

bna_vinh_devi_nguyen53321786_15112018.jpg
Thành cổ Vinh hôm nay. Ảnh: Devi Nguyễn

Có thành phố nào như thành phố này không? - Đó là câu hỏi của thành Vinh từ thời gạch vụn. Một câu hỏi da diết nhưng đầy tự hào về thành phố quê hương chúng ta. Một câu hỏi được cất lên từ đống gạch vụn đổ nát của chiến tranh. Hôm nay đây, thành Vinh đã đàng hoàng, to đẹp. Một thành phố khang trang đã sáng bừng lên trên khuôn mặt mới. Gạch vụn thành Vinh. Nhắc lại một thời thành Vinh gạch vụn, bài thơ đã tồn tại cùng thành phố quê hương cũng đã hơn 50 năm rồi, hôm nay giữa bộn bề phố xá, bạn có còn nghe âm vang một câu hỏi da diết nhưng rất đỗi tự hào cất lên từ đống gạch vụn ngày xưa?

Thành Vinh rực rỡ cờ hoa chào mừng 60 năm thành lập

20/09/2023 15:18

Thạch Quỳ