Ý nghĩa, cách thức của các nghi lễ thờ Phật
(Baonghean.vn) - Chúng ta thờ Phật để được học hỏi tấm gương sáng của Ngài qua các đức tính từ bi hỷ xả, trí tuệ thông suốt. Từ đó nhắc nhở chúng ta hành xử thiện ích, không làm các việc sai trái, xấu ác.
Đến nay, khá nhiều gia đình Việt thường thờ cúng Phật theo sự hiểu biết của mình. Để cho các bạn có thể hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi cung cấp thêm ý nghĩa, cách thức của các nghi lễ thờ Phật.
Thờ Phật
Trong nhiều gia đình Việt, ngoài bàn thờ ông bà, tổ tiên còn có ban thờ Phật. Người ta thờ Phật để tỏ lòng biết ơn và đền ơn Ngài đã dấn thân đóng góp không biết mệt mỏi, để từng bước dìu dắt mọi người tiến quả giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Thờ Phật để được học hỏi tấm gương sáng của Ngài qua các đức tính từ bi hỷ xả, trí tuệ thông suốt. Từ đó nhắc nhở chúng ta làm các việc thiện ích, không làm các việc sai trái, xấu ác.
Trước tiên là phải thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì Ngài là người đã khai sáng ra đạo Phật có lịch sử rõ ràng. Phật Thích Ca Mâu Ni đã xuất hiện nơi thế gian bằng xương bằng thịt.
Tùy từng gia chủ chúng ta có thể thờ thêm hai bên các vị Bồ Tát như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Tuy nhiên, chúng ta có thể thờ một vị Phật khác như Phật Dược Sư, Phật A Di Đà ....là do tâm niệm, hoàn cảnh của từng người.
Lạy Phật
Ngày xưa khi đức Phật còn sống, các đệ tử thường cúi xuống hôn chân Phật và đặt trán mình lên đó để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Ngày nay chúng ta thờ hình tượng đức Phật, lễ lạy bằng cách để đầu, mình, tay, chân chạm sát đất để tỏ lòng tôn kính.
Lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. Ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc (đầu, hai tay và hai chân) gieo sát đất. Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc,như thế gọi là một lạy.
Một điều nữa cần lưu tâm là “đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc”. Việc cúi lạy rồi “giữ yên một lúc” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư cung kính lễ lạy Phật. Lạy Phật nên chậm rãi, thong thả mới trang nghiêm và thành kính. Nên, những ai “cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc” là đúng với quy cách lạy “ngũ thể đầu địa”.
Quy định là lạy 3 cái, đó là lễ lạy Tam bảo tức Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nhưng thật ra, vì lòng thành kính đối với Phật, ta có thể lạy bao nhiêu cũng được để tỏ lòng tôn kính và xả bỏ tâm cống cao ngã mạn. Nhưng với người bệnh hoạn, hoặc già yếu không lạy được đúng phép thì cũng không có tội, miễn sao giữ tâm thành kính hướng về Phật là tốt.
Cúng Phật
Ngày xưa, các thí chủ cúng dường đức Phật và tăng đoàn để tỏ lòng tôn kính biết ơn và duy trì nếp sống thiền môn. Ngày nay chúng ta vẫn cúng dường như thế để duy trì ngôi Tam bảo mà có nơi nương tựa để tu học.
Đúng phép là cúng Phật năm món: Hoa, đèn, hương, trái cây, nước trong. Ngày nay với lòng tôn kính và biết ơn, chúng ta có thể cúng những món mà ta nấu nướng thanh tịnh, như: Cháo, chè, bánh, cơm chay v.v...Cúng dường với tấm lòng thành của mình, tùy theo gia cảnh của chủ nhà, nếu có cũng tốt, không có cũng không sao cả. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng tôn kính và biết ơn mà cố gắng học hỏi và tu sửa mới thật là quý giá.