Trump chuẩn bị “thay máu” quân đội Mỹ? Khu phi quân sự ở Idlib chỉ là tạm thời

Hữu Quân 09/10/2018 06:11

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều tin tức nổi bật như: Ấn Độ tuyên bố theo đuổi chính sách độc lập trong mua sắm vũ khí; Trung Quốc cáo buộc cựu chủ tịch Interpol nhận hối lộ; Tổng thống Syria Assad: Khu phi quân sự ở Idlib chỉ là tạm thời; Ông Trump chuẩn bị "thay máu" quân đội Mỹ?...

Ông Trump chuẩn bị "thay máu" quân đội Mỹ?

Ông Trump chuẩn bị 'thay máu' quân đội Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: AP

Khi Tổng thống Donald Trump phải đương đầu với một loạt thách thức lớn về chính sách đối ngoại trong những tháng tới đây, ông sẽ phải ra một số quyết định then chốt về đội ngũ tướng lĩnh đảm trách vai trò cố vấn cho ông và lãnh đạo quân đội Mỹ.

Theo CNN, phía sau hậu trường, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đang tìm kiếm một loạt sĩ quan cấp cao đủ khả năng đảm đương nhiều vị trí trọng yếu thay cho nhiều tướng lĩnh quân đội sắp nghỉ hưu.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang đóng vai trò trung tâm trong quá trình đề cử các ứng viên để Thượng viện phê chuẩn. Không ai biết ông Mattis sẽ tại vị bao lâu hoặc ông đang đề xuất những cái tên nào. Tuy nhiên, lớp chỉ huy cấp cao này được tin có thể giúp định hình chính sách và các hoạt động của quân đội Mỹ trong những năm tới đây.

Ấn Độ tuyên bố theo đuổi chính sách độc lập trong mua sắm vũ khí
Hệ thống tên lửa S-400 Triumph của Nga. Nguồn: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại trước việc Mỹ áp đặt trừng phạt liên quan tới hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat khẳng định nước này theo đuổi một chính sách độc lập và cũng đang quan tâm tới việc mua máy bay trực thăng Kamov và các hệ thống vũ khí khác của Moskva.

Ấn Độ và Nga hôm 5/10 đã ký thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD, theo đó New Delhi sẽ mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Moskva, hành động có thể khiến Ấn Độ bị trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận trên bất chấp việc Mỹ cảnh báo rằng đây sẽ là một "lĩnh vực trọng tâm" để họ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc cáo buộc cựu chủ tịch Interpol nhận hối lộ

Trung Quoc cao buoc cuu chu tich Interpol nhan hoi lo hinh anh 1

Ông Mạnh Hoằng Vĩ. Ảnh:Xinhua

Bộ Công an Trung Quốc hôm 8/10 cho biết ông Mạnh Hoằng Vĩ, chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vừa từ chức, đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Thông cáo trên website của Bộ Công an Trung Quốc nói ông Mạnh, người đồng thời là thứ trưởng bộ này, "nhận hối lộ và tình nghi phạm pháp". Thông cáo cho biết thêm rằng bất kỳ ai nhận hối lộ đều sẽ bị điều tra.

Bộ Công an Trung Quốc nói hành vi nhận hối lộ và phạm pháp khả nghi của ông Mạnh đã "gây tổn hại nghiêm trọng" cho đảng và ngành công an, nói thêm rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ điều tra bất cứ ai tình nghi nhận hối hộ cùng ông Mạnh.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nới lỏng lệnh cấm giao dịch bằng ngoại tệ

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng USD tại một cửa hàng đổi tiền ở Ankara. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra một số biện pháp miễn trừ trong lệnh cấm sử dụng ngoại tệ đối với các giao dịch thương mại, gồm cả hợp đồng xuất khẩu, các công cụ thị trường vốn và các hợp đồng lao động liên quan đến người nước ngoài.

Việc miễn trừ cũng được áp dụng các lĩnh vực khác như kinh doanh phần mềm sản xuất ở nước ngoài, các hợp đồng thuê tàu vận tải và các hợp đồng có sự tham gia của các thể chế nhà nước với điều kiện những giao dịch này không liên quan đến tuyển dụng hoặc bất động sản.

Hồi tháng trước, chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdoga tuyên bố các hợp đồng trong lĩnh vực bất động sản, hoặc cho thuê buộc phải giao dịch bằng đồng lira nội tệ.

Tổng thống Syria Assad: Khu phi quân sự ở Idlib chỉ là tạm thời

Xe tăng quân đội Syria. Ảnh minh họa: Masdar News
Xe tăng quân đội Syria. Ảnh minh họa: Masdar News

Lực lượng phiến quân ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hôm 6/10 cho biết dự kiến sẽ hoàn thành việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm ở Tây Bắc Syria trong vài ngày theo thỏa thuận thiết lập một khu phi quân sự nhằm ngăn chặn cuộc chiến đẫm máu ở Idlib.

Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/9 đã đạt được thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự ở Tây Bắc Idlib, trên khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn những gì mà nhiều người cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria.

Tuy nhiên, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngày 7/10 đã lên tiếng cảnh báo rằng thỏa thuận đạt được nhằm ngăn chặn trận đánh lớn ở thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập chỉ là “biện pháp tạm thời” trước khi quân đội Chính phủ tái kiểm soát Idlib. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad khiến nhiều người lo ngại chiến sự ở Idlib vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nobel Kinh tế 2018 vinh danh hai nhà kinh tế học người Mỹ

William D.Nordhaus và Paul M.Romer
William D.Nordhaus và Paul M.Romer. Ảnh: Reuters

Chiều 8/10 (theo giờ Việt Nam), hai nhà nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và Paul M.Romer đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2018. Theo thông báo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, William D.Nordhaus được vinh danh nhờ lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô, và Paul M.Romer được đánh giá cao nhờ đưa đổi mới công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn.

Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ năm và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2018. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học và Nobel Hòa bình 2018 đã được công bố.

Hữu Quân