Đề xuất thêm giải pháp chống ngập úng ở thành phố Vinh
(Baonghean) - Trước thực trạng đô thị Vinh liên tục xảy ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, quy hoạch đã chỉ ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Thực trạng đáng lo từ hạ tầng
Hiện nay, tình hình úng ngập và xử lý nước thải ở Vinh vẫn là mối quan tâm lớn của người dân thành phố và các cấp, các ngành, nhất là khi thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp. Tình trạng úng ngập diễn ra khá nhanh và kéo dài khi có mưa lớn.
Chợ Vinh có nhiều lần bị ngập lụtkhi mưa lớn. Ảnh tư liệu |
Điển hình, trận mưa ngày 17/8/2018, lượng mưa 130mm đã làm ngập phần lớn các phường như: Vinh Tân, Lê Mao, Quang Trung, Lê Lợi, Hà Huy Tập... Nguyên nhân do các tuyến mương cấp 1 dẫn nước ra ngoại thành như mương số 1, số 2, số 3, mương Hồng Bàng, Đông Vĩnh... bị bồi lắng nhiều do không được nạo vét định kỳ và bị do quá trình đô thị hóa gây ra...
Một lưu vực rộng lớn từ phía Bắc thành phố vào kênh Bắc có khoảng cách quá xa, việc thoát nước bề mặt từ đó về kênh Bắc bằng đường cống ngầm như hiện tại là không đảm bảo. Được biết, năm 1995, khi quy hoạch xây dựng Đại lộ 3/2 từ cuối đường Trường Thi ra sân bay có quy hoạch kèm một tuyến mương hở cấp 1 song song, xuất phát từ Bắc Nghi Phú nối vào kênh Bắc, nhưng do không thực hiện được nên dải đất trống dự định làm mương đã chuyển thành đất xây dựng. Chính vì vậy, khu vực rộng lớn phía Bắc các phường, xã: Nghi Phú, Hà Huy Tập, Quán Bàu vẫn bị ngập úng nguyên nhân do thiếu tuyến mương, cống cấp II thu nước về kênh Bắc.
Những năm qua, công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng, thoát nước được thành phố đẩy mạnh thực hiện. Đó là các dự án nâng cấp, cải tạo kênh Bắc, xây dựng hồ điều hòa, nâng cấp cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh, nâng cấp và cải tạo hồ Cửa Nam, nâng cấp và cải tạo một số mương thoát nước chính, gồm: mương số 3, mương Đông Vĩnh...
Những chương trình, dự án đó đã góp phần cải thiện tình trạng ngập úng ở một số địa bàn. Tại các vùng dự án, trước đây ô nhiễm nặng, rác thải và nước thải sinh hoạt được đổ trực tiếp xuống mương, xuống hồ nay được nạo vét, xây thêm hố lắng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần thêm nhiều nguồn lực cũng như giải pháp để đảm bảo quản lý được tình trạng tiêu thoát nước của thành phố.
Khu vực phường Vinh Tân (TP Vinh) bị ngập chìm trong nước sau mưa lớn cuối năm 2017. Ảnh tư liệu |
Đề xuất những giải pháp mới
Theo BQL Dự án Quản lý tổng hợp thoát nước và nước thải các thành phố Cần Thơ, Vinh, Hải Dương (Việt Nam), để thành phố Vinh hết ngập úng, cần thực hiện các giải pháp: Thứ nhất: Kè, nạo vét đường ống nước thải sông Vinh. Thứ hai là nâng cấp hệ thống thoát nước trung tâm Vinh, đầu tư hệ thống thoát nước cấp II cho phường Quán Bàu và xã Nghi Phú; Thứ ba là xây dựng trạm bơm tiêu Rào Đừng, mở rộng NMXLNT Hưng Hòa.Thứ tư cần nạo vét, nâng cấp các kênh tiêu chính trong nội thành phố Vinh: kênh số 1, kênh số 2, kênh số 3, kênh Hồng Bàng, kênh Đông Vĩnh; Thứ năm đầu tư hệ thống trạm bơm tiêu chính phía Nam hồ điều hòa và sông Rào Đừng.
Còn theo ông Nguyễn Cảnh Tài - Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật - Viện Quy hoạch Kiến trúc Xây dựng Nghệ An, để chống ngập úng thành phố Vinh cần xây dựng mới kênh chính Bắc thành phố Vinh (Bắc Vinh). Kênh này xuất phát tại cửa Trạm bơm Hưng Đông, đi theo hướng Đông đổ vào hồ điều hòa phía Bắc (xã Nghi Phú, Nghi Đức) nối với hồ điều hòa (xã Hưng Hòa, Hưng Lộc và phường Hưng Dũng) đổ ra sông Lam tại cống Rào Đừng.
Hồ Cửa Nam (thành phố Vinh) tăng năng lực tiêu thoát nước và xử lý nước thải sau khi được đầu tư cải tạo. Ảnh: Trân Châu |
Kỹ sư Bùi Ngọc Thanh - Hội Quy hoạch và PTĐT Nghệ An đồng tình cao với các giải pháp trên, ngoài ra theo ông Thanh, thành phố Vinh cần điều chỉnh lưu vực ở phía Nam kênh Bắc gồm một phần các phường Hưng Bình, Hưng Phúc, một phần Hưng Dũng thoát nước theo kênh số 2 về phía Nam cho chảy ngược về kênh Bắc.
Muốn vậy, điều chỉnh xây dựng lại các tuyến cống mương phía Nam kênh Bắc bằng cách mở rộng khẩu độ và cho dốc ngược về kênh Bắc tại các tuyến đường: cống dọc đường Nguyễn Văn Cừ, Hermann Gmainer, đường 3/2 và một số tuyến cống khác, việc này sẽ đảm bảo cải thiện rất tốt cho tình trạng ngập úng lưu vực phía Bắc của các phường Hưng Bình, Hưng Phúc, một phần Hưng Dũng, kể cả khu vực trung tâm của thành phố…
Riêng lưu vực phía Bắc của các phường Nghi Phú, Hà Huy Tập và Quán Bàu trong điều kiện kênh chính phía Bắc (kênh 80m) chưa đủ điều kiện thực hiện, để tránh cảnh phải chịu ngập úng và ngày càng ngập nặng, giải pháp khả thi là xây dựng một số trạm bơm chuyển tiếp để bơm nước mưa về kênh Bắc, muốn vậy phải sớm có quỹ đất cho việc xây dựng công trình.Quy hoạch tiêu thoát là vấn đề quan trọng được ông Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng Đoàn Quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi Nghệ An đặc biệt quan tâm. Ông Sơn cho biết: “Lập quy hoạch thoát nước chi tiết cho thành phố Vinh phù hợp với quy hoạch tiêu vùng Nam - Hưng - Nghi đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó xác định, phân rõ vùng tiêu, hướng tiêu, cao độ san nền cho từng vùng cụ thể” - ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.
Khi hồ điều hòa xử lý nước thải thành phố Vinh hoàn thành, vấn đề ùn tắc lòng kênh và tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết. Kênh Bắc sẽ trở thành một dòng sông nhỏ trong lòng thành phố Vinh. Ảnh: Hoàng Hảo |
Mùa mưa năm nay, thành phố Vinh đã trải qua một số lần ngập úng và nguyên nhân đã được chỉ ra khá rõ. Vấn đề quan trọng là bổ sung và triển khai giải pháp về nguồn lực thực hiện các bản quy hoạch. Thành phố Vinh cần tranh thủ nguồn lực hoàn thiện hệ thống thoát nước, kênh, mương, trạm bơm gắn với xử lý nước thải.
Cùng đó, lập kế hoạch ưu tiên công trình cấp bách tiêu thoát nước; tập trung bảo trì các công trình kênh mương thoát nước. Quá trình đó, tăng cường quản lý xây dựng đô thị, tránh phát triển đô thị bằng mọi giá. Ngoài giải pháp tổng thể, cần có những giải pháp thoát nước thải chi tiết cho từng dự án, từng khu đô thị, từng công trình cụ thể.
Vinh là đô thị loại I thuộc tỉnh Nghệ An, có diện tích 105,07 km2 và dân số năm 2015 là khoảng 315.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm 78%. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của thành phố khoảng 3,0-3,6%/năm. Quy mô trung bình của hộ gia đình là 4,7 người. Sự gia tăng dân số và phát triển đô thị nhanh là một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở thành phố.