Đại biểu Quốc hội: Tạo văn hóa uống rượu chứ không phải rình để phạt

Nguyễn Đông 12/10/2018 09:04

Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc việc cấm bán rượu cho người chưa đủ 18 tuổi và nên ra nghị định để đo lường tính hiệu quả.

Ngày 11/10, tại Đà Nẵng diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban về các vấn đề xã hội nhằm lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Dự thảo Luật do Bộ Y tế soạn thảo, đưa ra nhiều quy định như cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên... Dù từng được bàn thảo nhưng tại cuộc họp này dự luật tiếp tục gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói rượu, bia không phải là đối tượng điều chỉnh mà ở đây chính là con người. Rượu, bia đã có đời sống hóa riêng cả nghìn năm nay. Do đó phải tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, chứ không phải là độc dược mà phải tránh hoặc loại bỏ. Và cán bộ, công chức phải là người làm gương trong việc hạn chế uống rượu, bia.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến. Ảnh: V.Đ.

"Luật cấm cán bộ công chức, viên chức và người lao động uống rượu, bia trong giờ làm việc, nhưng khi đối ngoại phải sử dụng rượu, bia thì có vi phạm luật không?", ông Nhưỡng thắc mắc.

Về tính khả thi của luật, ông Nhưỡng cho rằng phải làm rõ cấm ai, phạm vi, đối tượng nào, ai được giao thực hiện, cơ chế ra sao? Bên cạnh đó, phải làm rõ khái niệm "lạm dụng", chủ thể nào là lạm dụng.

"Nếu luật ra đời không khả thi thì cả xã hội sẽ rất mất công sức, tốn kém kinh phí", ông nói và nhấn mạnh đến việc phải xây dựng văn hóa dùng rượu, bởi đó là cái xã hội cần, chứ không phải cứ "rình để xử phạt".

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nhận định việc cấm công chức uống rượu, bia buổi trưa đang mang lại hiệu quả. Sức khỏe của công chức nhờ đó cũng tốt hơn.

Cân nhắc thời điểm ra luật

Ông Tuấn cũng cho rằng, việc tăng thuế nhằm tạo ra rào cản về tài chính để cảnh báo tác hại của bia, rượu sẽ gặp phải mặt trái là nhập lậu, sản xuất lậu mặt hàng này.

Đồng quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan,- Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, nói nếu chưa có giải pháp phòng, chống rượu lậu thì khi luật được thông qua sẽ không hiệu quả hoặc chỉ kiểm soát nhưng không chính thức. "Nếu ý thức của người chưa đi tới đâu thì luật ra đời cũng không có tác dụng gì”, bà nói.

Trên thực tế, rượu, bia được kiểm soát bởi Bộ Công Thương, nhưng khi có hậu quả thì lại đến Bộ Y tế vào cuộc, giống như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Bà Lan đề xuất khi tịch thu hàng nhập lậu phải tiêu hủy, vì cho tái xuất sẽ lại về tay người dân. Khi đó những doanh nghiệp làm ăn chân chính, chấp nhận đóng thuế cao, hạn chế quảng cáo sẽ khó làm ăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai băn khoăn tính khả thi về quy định phải ghi cảnh báo trên bao bì, nhãn rượu, bia. Nhà sản xuất sẽ không biết sẽ ghi cảnh báo như thế nào, uống bao nhiêu ly rượu, bao nhiêu chai bia là an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ kiến nghị không nên ra luật ở thời điểm này vì có ảnh hưởng đến toàn xã hội. "Quan điểm của tôi là trước mắt nên ra Nghị định, rồi tiếp tục xem xét", ông nói.

Việt Nam là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới

Tiếp thu ý kiến từ các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Ban soạn thảo luật sẽ có những điều chỉnh phù hợp để Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia càng sớm càng tốt".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên thảo luận. Ảnh: V. Đ.

Bà Tiến nói, mục đích soạn thảo luật để bảo vệ sức khỏe người dân thông qua việc giảm mức tiêu thụ và kiểm soát quảng cáo, chứ không muốn hủy hoại hệ thống sản xuất, văn hóa ẩm thực. Hiện nay, hơn 100 nước đã có luật này, kể cả những nước là quê hương sản xuất rượu trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế cho rằng, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới. Bệnh tật từ bia, rượu cũng rất nhiều. Trong khi thu nhập của người dân vẫn còn ở mức thấp.

Trước mắt, việc hạn chế rượu, bia là để giảm thiểu vấn nạn tai nạn giao thông. Bà Tiến hy vọng khi luật được thông qua sẽ có hiệu quả. "Nếu không có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cách đây 5 năm thì tỷ lệ người chết do thuốc lá sẽ còn rất cao", bà dẫn chứng.

Về phạm vi của luật, bà Tiến nhận định sẽ đụng chạm đến rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp trong vấn đề không được quảng cáo quá nhiều, không được bán 24/24h,... Nhưng luật không cấm sản xuất, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh mà chỉ cố gắng giảm tính tiếp cận của người dân với rượu, bia.

Trong nhiều lần lấy ý kiến, ban soạn thảo luật đã tiếp thu và xem xét bỏ quy định cấm kinh doanh rượu bia trên Internet. Thay vào đó, luật nên tính toán hợp lý và khả thi hơn để quản lý kinh doanh rượu, bia trên Internet cho hiệu quả.

Nguyễn Đông