Malaysia sẽ bỏ án tử hình; Áo gia hạn hoạt động kiểm soát biên giới

Hữu Quân 13/10/2018 07:00

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Moskva hé lộ thời điểm hai Tổng thống Putin - Trump có thể gặp nhau; Malaysia sẽ bỏ án tử hình; Áo gia hạn hoạt động kiểm soát biên giới thêm 6 tháng; Anh tái lập lực lượng "đặc nhiệm" từng xuất hiện trong Thế chiến 2...

Moskva hé lộ thời điểm 2 Tổng thống Putin - Trump có thể gặp nhau

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Nguồn: AFP/Getty Images

Theo Reuters, hãng tin RIA dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/10 cho biết Tổng thống nước này Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có khả năng gặp nhau tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 11/11 tới. Nguồn tin trên cho biết cuộc gặp có thể diễn ra nếu cả hai nhà lãnh đạo này đều tham dự cùng sự kiện để kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Bộ trên cho hay Nga để ngỏ đối thoại và sẵn sàng xem xét thời gian và địa điểm cho cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Trump nếu Washington cũng quan tâm.

Mỹ và Saudi Arabia chia rẽ vì vụ nhà báo Khashoggi mất tích

my va saudi arabia chia re vi vu nha bao khashoggi mat tich hinh 1

Nhà báo Khashoggi bị mất tích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các nhà điều tra nước này đang phối hợp với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia để làm rõ vụ nhà báo Jamal Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và đang tìm cách trở thành công dân Mỹ mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường áp lực đối với Saudi Arabia, một đồng minh thân cận tại Vùng Vịnh, nhằm buộc nước này cung cấp thêm thông tin về phóng viên bị mất tích Khashoggi và muốn biết ngọn ngành của “tình hình hết sức nghiêm trọng” này. Vụ việc đang khiến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Saudi Arabia căng thẳng.

Nhà báo Khashoggi đã mất tích kể từ ngày 2/10 sau khi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi được biết đến là nhà báo, nhà bình luận chính trị nổi tiếng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông này cũng đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.

Malaysia sẽ bỏ án tử hình

malaysia se bo an tu hinh hinh 1

Tân Thủ tướng Malaysia, ông Mohamad Mahathir đã khẳng định sẽ nâng cao nhân quyền ở Malaysia. Ảnh: AP

Nội các Malaysia đã nhất trí bỏ án tử hình và ngừng việc xử tử, một động thái được các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà ngoại giao ca ngợi. Nhiều khả năng dự luật về bãi bỏ án tử hình sẽ được chính phủ thảo luận khi Quốc hội Malaysia nhóm họp ngày 15/10.

“Tất cả các án tử hình sẽ bị bãi bỏ. Chấm hết” – một bài báo của Channel NewsAssia giật tít, dẫn lời Bộ trưởng Luật pháp Liew Vui Keong cho biết. Ông Keong cũng đã kêu gọi dừng toàn bộ việc thi hành án tử hình cho đến khi quyết định trên có hiệu lực. Ông giải thích: “Vì chúng tôi đang chuẩn bị bỏ bản án này nên tất cả các vụ xử tử sẽ không được tiến hành nữa”. Hiện có hơn 1200 phạm nhân đang chờ bị thi hành án tử hình ở Malaysia, trong đó, biện pháp treo cổ sẽ được áp dụng với nhiều loại tội phạm như giết người, bắt cóc, buôn ma túy, phản quốc…

Hàn Quốc và Triều Tiên ấn định thời điểm tổ chức đối thoại cấp cao

Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom. Nguồn: EPA-EFE/TTXVN

Hãng tin Yonhap ngày 12/10 đưa tin Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp cao vào ngày 15/10 tới với mục đích thảo luận các cách thức triển khai thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều gần đây nhất. Nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay hai bên nhất trí lấy Nhà Hòa bình, vốn do phía Seoul kiểm soát tại làng đình chiến Panmunjom, là địa điểm tiến hành sự kiện trên.

Thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai bên sẽ có những cuộc tham vấn tổng thể bàn về cách thức triển khai Tuyên bố Bình Nhưỡng tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng Chín vừa qua, đồng thời sẽ quyết định về lịch trình cho cuộc đối thoại sắp tới về từng vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, hai nước được kỳ vọng thảo luận một số nội dung khác như: kế hoạch thiết lập một ủy ban quân sự hỗn hợp; triển khai cuộc khảo sát thực địa chung về dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ tại Triều Tiên; ấn định thời điểm và địa điểm cho các cuộc họp trực tuyến của Hội Chữ thập đỏ và trao đổi thông tin giữa các gia đình ly tán.

Áo gia hạn hoạt động kiểm soát biên giới thêm 6 tháng

Người di cư tại khu vực biên giới Áo. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 11/10, Chính phủ Áo thông báo nước này sẽ kéo dài thêm 6 tháng hoạt động kiểm soát tại khu vực biên giới chung giữa nước này với Hungary và Slovenia. Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kichl cho biết Chính phủ nước này đã đưa ra quyết định trên do hiện vẫn còn một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp đang đến và ở lại Áo, khiến tình hình không ổn định. Mặc dù không cung cấp số liệu chính xác về số người nhập cư, song Bộ trưởng Herbert Kichl khẳng định Áo không muốn lặp lại giống như năm 2015 khi một lượng lớn người di cư đổ dồn về châu Âu.

Khu vực tự do đi lại Schengen gồm 22 nước Liên minh châu Âu (EU) cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ đã "thất thủ" sau khi khoảng 1,5 triệu người tị nạn và di cư đến EU trong năm 2015 và 2016. Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy là những nước đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới từ năm 2015, khi làn sóng người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu.

Singapore siết chính sách tiền tệ, cảnh báo về cuộc chiến thương mại

Máy ATM tại Singapore. Nguồn: Bloomberg

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - Ngân hàng Trung ương) ngày 12/10 đã quyết định thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ với dự báo kinh tế nước này sẽ giữ đà tăng trưởng ổn định và lạm phát được duy trì ở mức thấp, song cảnh báo nguy cơ rủi ro từ các cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra trong năm tới.

MAS đã điều chỉnh tăng biên độ giao dịch của đồng đôla Singapore, nhưng không thay đổi trọng tâm của biên độ giao dịch. Đây là lần thứ hai trong vòng sáu năm qua, MAS quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ.

Anh tái lập lực lượng "đặc nhiệm" từng xuất hiện trong Thế chiến 2

Lính Syria trên đống đổ nát của thành cổ Palmyra /// Reuters
Lính Syria trên đống đổ nát của thành cổ Palmyra. Ảnh: Reuters

Quân đội Anh đã thành lập Đơn vị Bảo vệ tài sản văn hóa (CPPU) và đang tuyển mộ binh lính gia nhập. Đơn vị này được thành lập sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong vài năm qua đã tàn phá nhiều di tích, di sản cổ xưa tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở khu thành cổ Palmyra tại Syria.

CPPU có trụ sở tại hạt Berkshire, đông nam Anh hiện do trung tá Tim Purbrick, người từng tham gia Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lãnh đạo nhưng chưa có thành viên nào khác. Ông Purbrick cho biết đang tìm kiếm, tuyển mộ khoảng 15 chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, khảo cổ, điều tra tội phạm về nghệ thuật thuộc khắp các quân chủng của quân đội Anh. Sau khi đầy đủ lực lượng, CPPU sẽ được điều đến những vùng chiến sự nơi có các khu khảo cổ, di tích có nguy cơ bị thiệt hại từ chiến tranh. Ngoài việc bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật và khu di tích, CPPU cũng tham gia điều tra các vụ đánh cắp, buôn lậu và thông báo cho quân đồng minh vị trí của những khu di sản để không oanh tạc nhầm.

Nhật nới lỏng tuyển dụng lao động tay nghề cao được lưu trú lâu dài

Lắp ráp xe ôtô ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 12/10, Chính phủ Nhật Bản công bố chương trình nới lỏng quy định tuyển dụng lao động nhập cư và cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng lưu trú lâu dài tại nước này. Dự kiến, quy định mới này có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, song chính phủ cần hoàn thiện và trình quốc hội phê duyệt các sửa đổi liên quan đến luật lao động.

Cho tới nay, Nhật Bản vẫn hạn chế tiếp nhận người lao động nước ngoài, chỉ cho phép tuyển dụng các chuyên gia trong một số lĩnh vực, như các nhà khoa học và giảng viên, nhạc sỹ, huấn luyện viên thể thao. Chính phủ Nhật Bản dự định ban hành một hệ thống tuyển dụng lao động nhập cư mới làm việc trong hơn 10 ngành nghề đang ngày càng thiếu nhân lực ở nước này, như xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc bệnh nhân và người già.

Hữu Quân