Ngân hàng Thế giới: Ukraine mất 100 năm để kịp EU
Sputnik mới đây dẫn lời Giám đốc Ngân hàng Thế giới khu vực Ukraine, Belarus và Moldova - bà Satu Kahkonen cho biết, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP như hiện tại, Ukraine phải mất 100 năm để đuổi kịp các nước láng giềng châu Âu.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kỳ vọng gia nhập Liên minh châu Âu EU. |
Theo đó, bà Kahkonen đã trả lời phỏng vấn tờ "Sự thật kinh tế" và dẫn các số liệu chứng minh sự thật nghiệt ngã này ở Kiev. "Thu nhập bình quân đầu người của Ukraine ở mức thấp hơn so với các chỉ số tương ứng trong giai đoạn 2014-2015" - bà Kahkonen nhận định.
Thông số kinh tế này cho thấy Ukraine vẫn chưa khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng những năm trước.
Sau các sự kiện vào năm 2014, nền kinh tế Ukraine đang ở trong tình trạng suy thoái: các ngành công nghiệp trọng điểm không phát triển, các nhà máy lớn nhất của đất nước ngừng hoạt động. Còn hiện nay, ở Ukraine đã có những cải cách, nhưng chương trình cải cách lại đang phát triển theo "hướng ngược lại".
Kiev đang cố gắng thực hiện các cải cách kinh tế, nhận các khoản vay từ IMF, và những bước đi này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của công dân. Chưa kể, tình hình sẽ còn xấu đi vì nạn tham nhũng chưa từng có, thêm vào đó là xu hướng phát triển lĩnh vực kinh tế "bong bóng" ở nước này. Thêm nữa, việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, cũng như chính sách đối với Donbass càng làm cho tình hình kinh tế nước này thêm tồi tệ.
Việc thua kém năng lực so với các nước láng giềng EU khiến viễn cảnh gia nhập liên minh này của Ukraine trở nên xa vời.
Hồi tháng 3/2016, Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker đã cho rằng, Ukraine phải tới 20 - 25 năm nữa cũng chưa thể trở thành thành viên của EU và càng khó trở thành một thành viên NATO. "Ukraine chắc chắn sẽ không thể trở thành một thành viên của EU trong 20-25 năm tới, và hơn nữa là thành viên của NATO" - hãng tin DPA dẫn lời ông Juncker. Sau đó, vị Chủ tịch cũng không giải thích lý do vì sao mà Ukraine sẽ phải chờ đợi lâu như vậy.
Theo ý kiến của Juncker, EU cần một “khoảng ngưng dài” trước khi quyết định vấn đề kết nạp các thành viên mới. Tuy nhiên, điều này không động chạm đến các quốc gia vùng Balcan mà việc chuẩn bị gia nhập EU đang được khẩn trương tiến hành. Cũng theo lời Juncker, EU trì hoãn việc kết nạp Ukraine bởi vì không muốn lặp lại những sai lầm trước đây, khi việc kết nạp những thành viên mới diễn ra quá nhanh chóng.
Tạp chí châu Âu cho hay, ông Juncker tuyên bố như trong bài phát biểu nhằm vào các cử tri Hà Lan với mục đích trấn an họ rằng, thỏa thuận tự do thương mại giữa Ukraine và EU không phải là một bước đầu tiên nhằm nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập vào Liên minh châu Âu EU.
Điều này càng thể hiện rõ việc châu Âu "ngọt nhạt" với Ukraine lâu nay chỉ như những lời hứa suông mà Ukraine chỉ có thể nỗ lực hết sức để giành được một miếng bánh vẽ.