30% lượng lúa mì nhập về Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng

hanoimoi.com.vn 14/10/2018 08:01

Từ ngày 1/11/2018, các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ Cirsium Arvense (cỏ kế đồng) sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) ra thông báo cho biết. Từ ngày 1/11/2018, các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ Cirsium Arvense (cỏ kế đồng) sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Thông tin này đã khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì nguyên hạt cho rằng "bị gặp khó".

Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật Lê Sơn Hà khẳng định, việc ngăn chặn nguy cơ cỏ kế đồng thâm nhập vào Việt Nam là cần thiết.

Cây cỏ kế đồngcó khả năng gây hại nghiêm trọng cho các cây trồng như ngô, đậu, bầu, bí, khoai tây...

- Xin ông cho biết, cơ sở nào để Cục Bảo vệ thực vật ban hành thông báo yêu cầu tái xuất lô hàng nếu phát hiện có nhiễm cỏ kế đồng?

- Cỏ kế đồng có khả năng gây hại nghiêm trọng cho gần 30 loại cây trồng như: Ngô, đậu, bầu, bí, khoai tây... và hiện đã xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Về khía cạnh môi trường, khi loài cỏ này đã thiết lập quần thể sẽ nhanh chóng lây lan và lấn sát các loài thực vật bản địa. Đáng ngại hơn, loài cỏ này với đặc tính có gai nên gia súc không thể ăn được; rễ cỏ mọc sâu trong đất tới 3m, bán kính ảnh hưởng tới 6m, chiều cao sau 3 tháng có thể đạt 1,2 - 1,5m. Mỗi cây có thể tạo ra 5.000 hạt cỏ rất nhỏ, dễ phát tán theo gió hoặc qua côn trùng, chim, gia súc... Chính vì vậy, nhiều nước như: Hàn Quốc, Brazil, Australia... xếp loài cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, loài cỏ này đã nằm trong danh mục phải kiểm dịch thực vật từ năm 2005. Đến năm 2014, khi bổ sung danh mục các loài thực vật gây hại, bắt buộc phải kiểm dịch thực vật khi vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã xin ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc thông báo yêu cầu các doanh nghiệp không được nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng không phải là vấn đề mới.

- Vậy đối tượng nào sẽ phải thực hiện thông báo này?

- Đối tượng áp dụng là trên tất cả các loại nông sản nhập khẩu nếu phát hiện nhiễm cỏ kế đồng. Tuy nhiên, tác động trực tiếp nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì. Mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 4 đến 5 triệu tấn lúa mì. Cụ thể, 9 tháng năm 2018 đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn. Điều đáng lo ngại là bắt đầu từ tháng 5-2018 đến nay, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng đã phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì có nhiễm cỏ kế đồng. Con số này chiếm tới hơn 30% sản lượng lúa mì nhập khẩu về Việt Nam.

Ngay sau khi phát hiện các lô hàng có nhiễm cỏ kế đồng, chúng tôi đã thông báo tới các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì. Như vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 34, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Nếu để cỏ kế đồng xâm hại vào Việt Nam, sẽ gây ảnh hưởng tới cả triệu nông dân làm nông, lâm nghiệp.

- Việc yêu cầu tái xuất với các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng có gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và lợi ích của doanh nghiệp không?

- Các doanh nghiệp có tới hơn 5 tháng để thực hiện các khâu chuẩn bị, đàm phán, thương thảo với đối tác để không chấp nhận nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đã huy động tối đa lực lượng kiểm dịch để giải quyết vấn đề tình thế và hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện trên địa bàn cả nước có khoảng 20 doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì, nhưng chỉ có số ít doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng. Như vậy cho thấy, nhiều doanh nghiệp chấp hành rất tốt các quy định kiểm dịch trong nước. Nếu để cỏ kế đồng xâm hại vào Việt Nam, sẽ gây ảnh hưởng tới cả triệu nông dân làm nông, lâm nghiệp. Vì vậy, việc ngăn chặn nguy cơ cỏ kế đồng là cần thiết.

hanoimoi.com.vn