V-League, tuổi 18 với bao trăn trở

AT 18/10/2018 09:43

(Baonghean.vn) - 11 trang báo cáo của VPF dường như chưa tổng kết hết mùa giải thứ 18 của bóng đá Việt Nam. Với các nhà chuyên môn, truyền thông và khán giả, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển.

Điều mà mọi người đánh giá cao nhất đó là khán giả đã tăng hơn mùa giải trước và theo thống kê, V.League 2018 có trung bình 6.297 người/trận (mùa giải 2017 là 5.600 người/trận). VPF và các CLB đã tận dụng rất tốt hiệu ứng từ “cơn sốt U.23 Việt Nam” hồi đầu năm. Kênh YouTube của HAGL thậm chí còn lọt vào top đầu các CLB trên thế giới.

Tiếp theo là V-League 2018 đã tìm ra nhà vô địch tuyệt đối Hà Nội FC, họ sớm đăng quang trước 5 vòng đấu, kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” của Hà Nội. Sau 18 năm, lần đầu tiên VPF đã nhận được bản quyền truyền hình từ đối tác Next Media (đối tác sở hữu bản quyền) dù không lớn.

Giải chuyên nghiệp của các CLB không chuyên nghiệp

Tại Hội nghị Tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2018, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết, chỉ có 5 CLB tại V-League đạt chuẩn châu Á, đủ điều kiện tham dự các giải đấu chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá châu Á tổ chức. 5 đội bóng này gồm: Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng, T.Quảng Ninh, SLNA và FLC Thanh Hóa, việc xét một CLB đạt chuẩn bao gồm nhiều yếu tố như: Đào tạo và thi đấu trẻ, cơ sở vật chất, tài chính…

Bầu Tú: “Chúng ta làm bóng đá chuyên nghiệp đã 18 năm nhưng ý thức chuyên nghiệp, tôi nghĩ các CLB cần phải thay đổi nhiều hơn nữa. Nếu mọi chuyện tốt lên thì việc điều hành giải với chúng tôi đơn giản hơn”. Ảnh: Internet
Bầu Tú: “Chúng ta làm bóng đá chuyên nghiệp đã 18 năm nhưng ý thức chuyên nghiệp, tôi nghĩ các CLB cần phải thay đổi nhiều hơn nữa. Nếu mọi chuyện tốt lên thì việc điều hành giải với chúng tôi đơn giản hơn”. Ảnh: Internet

“Số còn lại đa phần thiếu những yếu tố liên quan tới cơ sở vật chất, sân bãi”, ông Lê Hoài Anh cho biết và từ chối đưa ra danh sách cụ thể. Năm ngoái CLB Quảng Nam, sau khi vô địch V.League 2018, theo quy định họ là đại diện Việt Nam dự AFC Cup nhưng vì không đủ tiêu chuẩn như quy định của AFC nên Quảng Nam đã phải nhường suất cho đội đứng thứ nhì FLC Thanh Hóa. Lâu nay, AFC làm rất chặt chẽ và sẽ phạt rất nặng nếu Việt Nam cấp phép cho bất cứ CLB nào với những tiêu chí không phù hợp”.

Đạt chuẩn như sân Vinh nhưng HLV Raul Longhi của CLB Johor Darul Ta'zim (Malaysia) vẫn cho rằng mặt sân Vinh quá xấu và cho đó là lý do khiến đội bóng của ông thất bại trước SLNA ở AFC Cup 2018. Còn các đội V-League đều ngán ngẩm khi nói về mặt sân Lạch Tray của đội Hải Phòng.

Khó khăn chủ yếu là kinh phí bởi các CLB đều biết mặt sân đạt chuẩn, các trận đấu mới có thể diễn ra hay đẹp, nhờ đó mới thu hút khán giả đến sân đông hơn, cầu thủ bớt chấn thương. Đi thi đấu giải bóng đá của khu vực, các cầu thủ Việt Nam luôn trầm trồ về mặt sân các giải Thai-League hoặc M-League.

Điều đáng buồn

Sự cố đáng xấu hổ của Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền và nguyên PCT HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng gắn với vụ bê bối băng ghi âm gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.

Rồi vụ bê bối của sếp Gụ, Phó Chủ tịch VFF ở khách sạn đến nỗi phải từ chức cũng khiến cho hình ảnh quan chức VFF xấu xí hơn nhiều. Không mấy ai nghĩ được sau 18 năm gắn với “bóng đá chuyên nghiệp” các sếp sân cỏ vẫn xử sự như xã hội đen như vậy.

Dù đã tìm rất nhiều cách nhưng trọng tài vẫn là mắt xích yếu nhất trong bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam suốt 18 năm qua. Tổng Thư ký Lê Hoài Anh chua chát đưa ra nhận xét về đội ngũ vua áo đen: “Những sai sót không chỉ về nhận định thông thường mà sai cả về luật. Đó là điều rất đáng buồn”.

2 trường hợp điển hình là trọng tài Nguyễn Văn Kiên và Trần Văn Lập mắc những sai sót chả giống ai và rất nghiêm trọng. Dù VPF đã có văn bản đề nghị không mời những trọng tài này điều hành vô thời hạn nhưng không vì vậy mà người ta quên đi.

Mặt sân xấu, thoát nước chậm là căn bệnh chung của sân cỏ Việt Nam. Ảnh: Internet
Mặt sân xấu, thoát nước chậm là căn bệnh chung của sân cỏ Việt Nam. Ảnh: Internet

Tuổi 19 đầy hy vọng

Bầu Tú đã có mùa giải đầu tay được cho là khá chắc tay điều hành, cương nhu đúng lúc. Dự kiến, mùa giải 2019 sẽ khởi tranh từ ngày 3/3/2019 với trận Siêu cúp Quốc gia giữa Hà Nội FC (vô địch V-League 2018) và B.Bình Dương (vô địch Cúp Quốc gia 2018).

Tiếp đó, ngày 10/3, Cúp Quốc gia 2019 sẽ khai màn. Tới ngày 30/3, Giải hạng Nhất Quốc gia 2019 bước vào thi đấu và ngày 31/3, vòng 1 V-League 2019 cũng diễn ra vòng đấu đầu tiên. Trận đấu cuối cùng của mùa giải 2019 là trận chung kết Cúp Quốc gia 2019, diễn ra vào 3/11.

Nếu đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu thành công tại AFF Cup 2018, với cách điều hành công khai, minh bạch và tôn trọng luật của VPF thì người hâm mộ có quyền hy vọng vào một thành công của mùa giải năm sau.

AT