Hàng nghìn cổ vật 'kêu cứu' trong Bảo tàng Nghệ An

Tiến Hùng 23/10/2018 10:48

(Baonghean.vn) - Hơn 30.000 tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Nghệ An phải chống chọi với thời gian trong một nhà kho chật hẹp, cũ kỹ, không hề được trưng bày như những bảo tàng khác. Nhiều hiện vật quý thậm chí phải xếp chồng lên nhau vì thiếu chỗ, trong khi đó công tác bảo quản đang có nhiều bất cập khiến nhiều hiện vật đã hư hại nghiêm trọng.

Bảo tàng tỉnh Nghệ An được đầu tư hơn 11 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2005. Tuy nhiên, do dự án trưng bày nội ngoại thất đến nay vẫn chưa hoàn thành sau gần 10 năm khởi động, bảo tàng này vẫn chưa thể trưng bày thường xuyên để đón tiếp khách tham quan. Cũng vì dự án đình trệ, tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà này đến nay vẫn chưa thể sử dụng sau 13 năm hoàn thành. Ảnh: Tiến Hùng
Trong khi đó, hơn 32.000 hiện vật, tài liệu đang bị "giam giữ" trong nhà kho, cũng là nơi làm việc của nhiều cán bộ, nhân viên bảo tàng. Tòa nhà này được xây từ hơn 20 năm trước, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác bảo quản cổ vật. Ảnh: Tiến Hùng
Do quá chật chội, nhiều cổ vật phải xếp chồng lên nhau trong nhà kho. Ảnh: Tiến Hùng
Cổ vật để ngổn ngang dưới sàn nhà. “Các hiện vật là trang phục do không được treo lên để trưng bày hoặc làm khung mà chỉ gấp xếp vào tủ nên theo thời gian bị gãy, mục nát. Tài liệu phim ảnh thì bị dính vào nhau. Nhiều vật bằng kim loại thì hoen rỉ…”, chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng kiểm kê, bảo quản - Bảo tàng Nghệ An than thở. Nhiều bức tranh thêu quý hiếm như tranh Phú quý trường xuân, tranh Phúc lộc thọ, tranh liên áp… cũng lâm vào cảnh tương tự. Ảnh: Tiến Hùng
Những vật đựng hiện vật rách nát. Hiện nay, theo quy định việc bảo quản tài liệu, hiện vật được thực hiện theo 2 phương thức: Bảo quản phòng ngừa, tức làm chậm quá trình xuống cấp hoặc phòng tránh rủi ro gây hư hại hiện vật và bảo quản trị liệu, tức xử lý bảo quản và phục hồi các hiện vật bị hư hỏng, xuống cấp bằng cách dùng chất liệu, dung môi can thiệp trực tiếp lên hiện vật. Tuy nhiên, Bảo tàng Nghệ An chỉ mới thực hiện được công tác bảo quản phòng ngừa đơn giản bằng cách hàng ngày mở cửa các phòng kho cho thoáng gió; làm vệ sinh lau bụi hiện vật; dùng hóa chất sillicagen, vôi bột đặt vào các tủ, kệ để hạn chế độ ẩm, ngăn ngừa nấm mốc phát triển…. Ảnh: Tiến Hùng
Nơi lưu giữ các bảo vật Quốc gia gồm Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và muôi đúc tượng voi. Theo quy định, phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, những bảo vật quốc gia mới được phép đưa ra khỏi kho. Luật Di sản văn hóa cũng nêu rõ “bảo vật quốc gia phải được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Trong đó, chúng phải được bảo quản trong tủ kính cường lực chuyên dụng, đảm bảo được các yếu tố về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm thích hợp để duy trì được hiện trạng hiện vật lâu dài và phải đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối, đề phòng trường hợp bị đánh cắp. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, hiện nay 3 bảo vật quốc gia ở Nghệ An vẫn chưa có chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt nào. Chúng chỉ được lưu giữ trong các hộp kim loại bình thường, chưa đảm bảo được các yếu tố cần thiết về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…. Chính vì thế, các hiện vật đều đang trong tình trạng bị rỉ sét, ăn mòn. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, nhiều hiện vật khối ngoài trời cũng lâm vào cảnh tương tự do dự án trưng bày ngoài trời chưa được triển khai. Một số hiện vật như máy bay, tên lửa, khẩu thần công... đã bị rỉ sét nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Hùng
Bảo tàng Nghệ An hiện nay chỉ trưng bày chuyên đề ở tầng một tòa nhà. Tuy nhiên, phần lớn khách đến tham quan là học sinh, sinh viên đi theo kế hoạch nhà trường. Còn du khách chủ động đến tham quan dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Tiến Hùng

Tiến Hùng