Quỳ Hợp tập trung xử lý doanh nghiệp khoáng sản gây ô nhiễm đầu nguồn sông Dinh

Thành Duy 25/10/2018 17:58

(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được UBND huyện Quỳ Hợp cho biết trong cuộc làm việc của đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn huyện vào chiều 25/10.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Xử lý hành chính 3 trường hợp

Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 109 ha và 6 khu chế biến đá tập trung thu hút 134 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể, gia đình sản xuất.

Tuy nhiên, tại các cụm công nghiệp chưa có các hệ thống thu gom chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung; các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tự xử lý nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 71 cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp. Việc xử lý rác thải tại các cơ sở này được UBND huyện Quỳ Hợp nhận định là rất khó quản lý, xả thải ra môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trên địa bàn cũng có 13 mỏ quặng thiếc, 50 mỏ khai thác đá, đá xây dựng. UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, trong thời gian qua công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực khai thác trên chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn diễn ra tình trạng đổ thải chất rắn bừa bãi không theo quy củ ở một số nơi.

Đối với hoạt động khai thác, chế biến quặng thiếc, việc xả nước thải trực tiếp vào môi trường gây ảnh hưởng đến các sông, suối gây bức xúc cho người dân, nhất là vào thời điểm mưa lũ, lụt.

Chất thải quặng thiếc được thải trực tiếp ngay trong khu vực sản xuất, hoàn toàn không có bể chứa của Công ty Thiếc Hà An trên núi Lan Toong, Quỳ Hợp. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.
Chất thải quặng thiếc được thải trực tiếp ngay trong khu vực sản xuất của Công ty Thiếc Hà An trên núi Lan Toong, Quỳ Hợp (Ảnh chụp ngày 15/10/2018). Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Vi Thanh Tường cho biết: Một trong những giải pháp trọng tâm về môi trường của huyện là tập trung xử lý các công ty, xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đổ thải gây ô nhiễm nghiêm trọng tại đầu nguồn sông Dinh (từ suối Bắc, suối Mai đến cầu Nậm Tôn).

Từ đầu năm 2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra và chuyển cho UBND huyện xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp với 21 triệu đồng.

Trong giai đoạn từ 2016 - nay, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra 8 vụ tai nạn lao động, làm chết 13 người, bị thương 5 người. Các vụ tai nạn lao động xảy ra ở các công ty, doanh nghiệp tư nhân và đều ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, do sập mỏ, sạt lở đá và do người lao động bất cẩn.

Số doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là 184 đơn vị với 2.838/4.285 lao động. Trong năm 2018, đến tháng 6 số tiền đã nộp là hơn 16,6 tỷ đồng, đang nợ đọng hơn 3,1 tỷ đồng.


Tổ chức kiểm tra đột xuất, chuyên sâu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị, UBND huyện Quỳ Hợp cho biết công tác chỉ đạo, giải pháp và kết quả xử lý nhiều nội dung liên quan đến ô nhiễm môi trường trên địa bàn Quỳ Hợp, trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường do khai thác thiếc trên núi Lan Toong...

Đồng chí
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Sau khi báo chí phản ánh, huyện đã trực tiếp kiểm tra cho thấy, giấy phép khai thác thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An là 423.246 tấn thiếc trong vòng 30 năm.

Tuy nhiên, bể lắng nhỏ không đủ để chứa bùn thải. Qua kiểm tra, huyện đã lập biên bản và yêu cầu đơn vị sớm có hướng chuyển vị trí bể lắng sang phía trên khu vực đập Châu Hồng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng kiến nghị nguồn cấp kinh phí cho sự nghiệp môi trường không đưa vào nguồn cân đối ngân sách hàng năm mà được cấp để chi cho các hoạt động xây dựng, bảo vệ môi trường và xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường.

UBND huyện Quỳ Hợp cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ, đầu tư kinh phí xây dựng các bãi tập kết xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp cho 6 cụm công nghiệp và 6 khu chế biến đá tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường ghi nhận những nỗ lực của huyện Quỳ Hợp trong công tác quản lý Nhà nước về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt ký quỹ phục hồi môi trường; kiểm tra số người lao động được tham gia được đóng bảo hiểm xã hội, chưa được đóng bảo hiểm xã hội, nêu rõ đơn vị vi phạm. UBND huyện cũng cần coi trọng xử lý nghiêm túc các vi phạm của các công ty doanh nghiệp ở các lĩnh vực trên; chỉ đạo bảo hiểm xã hội, chi cục thuế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, thuế; tổ chức kiểm tra đột xuất, chuyên sâu về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động.

Nghệ An: “Bom bẩn” vẫn treo trên núi sau 2 năm thảm họa vỡ đập chứa bùn thải

Nghệ An: “Bom bẩn” vẫn treo trên núi sau 2 năm thảm họa vỡ đập chứa bùn thải

(Baonghean.vn) - Núi Lan Toong được biết đến là điểm gây ô nhiễm môi trường thông qua vụ vỡ đập chứa bùn thải thiếc của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hồi tháng 3/2017. Dù sau sự việc, các Bộ TN&MT, Công thương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh nhưng trở lại nơi đây dịp này, tình trạng khai thác thiếc gây ô nhiễm môi trường vẫn hiện hữu.

Thành Duy