Làm rõ nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Vì vậy cần phải có đánh giá thực chất hơn liên quan đến yếu tố năng suất lao động tổng hợp...
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6. |
Nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề đặt ra, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, nêu rõ, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn, lao động gia công cho nước ngoài, năng suất lao động tăng chưa nhiều, các yếu tố tổng hợp TFP đóng góp vào tăng trưởng còn ở mức thấp.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, nguồn nhân lực, năng xuất lao động thời gian qua tăng nhanh so với giai đoạn trước, chuyển dịch cơ cấu lao động chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP năm 2018 giảm so với 2017. Tăng năng suất lao động vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tăng cường độ vốn. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kể cả các ngành đang là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, du lịch, thủy sản và kể cả điện tử. Lực lượng lao động vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp.
Đại biểu bày tỏ lo ngại, cùng với cách mạng 4.0 và xu thế già hóa dân số đang diễn ra, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngày càng gặp khó khăn, trở ngại nếu không có quyết sách đúng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và gia tăng số lao động thất nghiệp do không theo kịp sự phát triển.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn hạn chế. |
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, cơ cấu lại lao động phải gắn với đào tạo, đào tạo lại một cách thực chất ngay từ hệ phổ thông cũng cần chính sách để phân luồng học sinh theo đúng khả năng, điều kiện để thúc đẩy đào tạo nghề, đào tạo đại học một cách hợp lý. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đại học, sau đại học thì việc đào tạo nghề, kể cả cho khu vực nông thôn để phát triển nông nghiệp cũng cần phải đầu tư hơn. Đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển và phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế với các cơ sở đào tạo, tận dụng tối đa việc đào tạo, nâng cao kiến thức từ các doanh nghiệp FDI và coi đây là điều kiện phải đáp ứng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thay đổi về chất cho lực lượng lao động thông qua các chính sách giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề hợp lý mới có thể nâng cao tri thức công nghệ và năng suất lao động.
Phân tích vấn đề năng suất lao động Việt Nam còn thấp, vì sao và giải pháp như thế nào, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh nêu rõ, năng suất lao động của chúng ta năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần, năng suất Hàn Quốc hơn 14 lần, Nhật Bản 18 lần và Singapore là 25 lần. Từ thực tiễn này cũng có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan tức là 1/3 là quá thấp. Vì vậy, cũng là vấn đề phải xem lại sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai ở các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực tế chúng ta có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. Năng suất lao động của Thái Lan gấp chúng ta 5 lần thì đến năm 2008 còn gấp 4 lần và 2017 gấp 3 lần, như vậy khoảng cách được thu hẹp liên tục. Năng suất lao động của Malaysia năm 1975 gấp chúng ta 10 lần, đến 2008 còn gấp 7 lần và 2017 gấp 5 lần. Năng suất lao động ở Nhật Bản năm 1975 gấp chúng ta 50 lần, năm 2008 gấp 30 lần và năm 2017 gấp 18 lần.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, trên cơ sở đó có hướng giải quyết để nâng cao năng suất lao động. |
Qua phân tích những yếu tố chi phối năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị cần xử lý 8 nhóm vấn đề. Một là nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất bởi muốn tăng năng suất lao động phải tăng đầu tư để tăng công nghệ thì tăng vốn sẽ đem lại hiệu quả. Hai là xác định mô hình sản xuất phù hợp, cơ chế kinh tế bao cấp, sản xuất theo tập trung không đem lại hiệu quả cao, chúng ta phải chuyển sang cơ chế thị trường. Trong nông nghiệp, hộ sản xuất cá thể vẫn còn đa số thì phải chuyển sang mô hình tập thể, hợp tác xã cho phép năng suất kinh tế cao. Ba là độ 3 khâu sản xuất. Đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Bốn là thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn. Năm là quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài. Sáu là, nâng cao trình độ người lao động. Bảy là đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng bởi hiện nay, chi khoa học công nghệ của chúng ta năm 2012 bình quân 3 đô la/người, thua Thái Lan 7 lần, thua Malaysia 29 lần, Singapore 43 lần.
Cuối cùng, đó là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân vì dân. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, một thống kê cho thấy, không cần tăng đầu tư nhưng nếu chính quyền minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5% - 1,5%.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Chính phủ có phân tích đúng thực chất liên quan đến yếu tố năng suất lao động tổng hợp. |
Tranh luận về vấn đề này đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị trong báo cáo của Chính phủ nên đánh giá thực chất hơn liên quan đến yếu tố năng suất lao động tổng hợp; làm rõ nguyên nhân chính của năng suất lao động Việt Nam còn thấp là chủ yếu đang thực hiện các giai đoạn là gia công, chế biến, lắp ráp.
Đại biểu lý giải, trong báo cáo của chúng ta năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% Singapore, trong khi đó một số thống kê đã tham khảo được thì người ta cho rằng một lao động của Singapore bằng hơn 14 lao động của Việt Nam hay một lao động của Thái Lan bằng khoảng 5 lao động Việt Nam... Nhìn qua số liệu như thế này thì dễ gây hiểu nhầm, rõ ràng không phải lao động Việt Nam làm việc quá yếu kém hoặc năng suất thấp như thế mà đây là mức quy đổi vốn. Đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn để có thể cân đối lại tỷ trọng các yếu tố đóng góp năng suất của các nhân tố tổng hợp, tỷ trọng năng suất lao động, tiến bộ khoa học, công nghệ và trình độ quản lý để phát huy có hiệu quả hơn mô hình tăng trưởng.