Hạnh phúc đến với người biết sống chậm

Võ Thu Hương 29/10/2018 10:39

(Baonghean.vn) - Khi ông Trời trao cho ba mẹ một đứa trẻ đặc biệt, là vì ổng muốn thử thách bản lĩnh và sự kiên trì, hẳn ông ấy không múon nghe tiếng than thân trách phận, mà muốn nhìn thấy sự nỗ lực.

Một tuần ba buổi, tôi đưa con trai từ quận 7 qua Thủ Đức, vượt hơn 20km tắc đường, bụi bặm, thi thoảng còn có triều cường ghé qua… để đến tập sức khỏe trong một ngôi đình. Con trai có một tiếng để tập luyện với thầy. Khoảng thời gian ấy tôi thường ngồi ghế đá đọc sách, hoặc cùng tập sức khỏe với những người xung quanh. Điện thoại tắt chuông trong khoảng thời gian ấy nếu không đang chờ cuộc hẹn nào trước đó. Không gian khá tĩnh lặng của ngôi đình khiến đôi khi đến tiếng điện thoại cũng trở nên vô duyên.

Bạn có thể sẽ thắc mắc rằng tại sao lại tập sức khỏe mà không phải tập thể dục. Tại sao phải đi xa đến thế… Có thể hiểu nôm na những bài tập sức khỏe là tập thể dục nâng cao. Những bài tập thể lực dựa trên tình trạng mỗi người khác nhau. Người bị tai biến có những bài tập để phục hồi các chức năng, người bị cảm vặt, ho sẽ có bài tập khác với đau lưng. Thầy là trưởng một lò võ cổ truyền và những đệ tử của ông hướng dẫn những người tìm tới cùng tập.

Con trai tôi tập để bé có thể rèn tập trung, tư duy tốt hơn. Bên cạnh can thiệp bằng những giờ trị liệu tâm lí cá nhân, chương trình học phù hợp thì thầy hỗ trợ tập sức khỏe phù hợp với khả năng của bé.

Đôi khi, tôi cảm thấy mình cũng được xoa dịu tâm trí khi đến đó.

Đó là ngôi đình chỉ mới được gầy dựng vài chục năm, không rõ do những người dân lao động miền Bắc góp công góp của dựng nên hay vì ở ngay trong khu lao động nghèo người Bắc mà đậm vẻ Bắc Bộ. Đôi khi tôi có cảm giác như đứng giữa một ngôi đình quê mình khi ở đình Bình Phú. Có một cây phi lao to vi vút đùa với gió ngay giữa sân đình. Lũ chim làm tổ trên ngọn phi lao, trên những hốc, mái đình cong cong, thả tiếng ríu ran trong nắng chiều màu mật ong đổ dài khắp sân. Bầu trời phía trên khoảng sân rộng ấy thường xuyên đón những chuyến bay cuối chiều vội vã đáp về sân bay gần đó. Có vài anh, em trong đình nói rặt giọng quê Thanh Nghệ Tĩnh. Với tôi - một kẻ có khi bỗng chán những âm thanh phố xá thì không gian ấy khá lí tưởng.

Tôi tìm thấy những nhịp sống chầm chậm đang trôi phù hợp với mình trong khoảng không gian ấy.

* * * * *

“Cô có phải là chuyên gia về những trẻ đặc biệt không?”

Người đàn ông ngoài 50 đang tập thể lực trong sân đình, ngưng lại hỏi tôi. Câu hỏi khá kì lạ, nó khiến người ta có thể nghĩ tới sự giễu cợt. Nhất là khi cách đó chỉ vài giây, thằng bé của tôi đang bất hợp tác với thầy bằng cách la toáng lên ăn vạ. Tiếng nó khiến tất cả mọi người tập trung ánh nhìn lại về phía nó đang tập cùng thầy và cả về phía mẹ nó đang đứng. Nhưng ánh mắt thành thật của anh ta khiến tôi đáp:

- Em vẫn đang học từ nhiều nguồn…

- Đúng, phải học. Chỉ khi cô là chuyên gia, cô mới giúp con mình vượt qua rào cản của nó mà thành công.

- Cô có thể sống chậm không?

- …

Tôi im lặng một lúc vì thật khó giải thích câu hỏi này, trong hoàn cảnh này.

Con trai tôi từng là cậu bé đặc biệt – Người đàn ông nói. Đừng nói là sống chậm, tôi tưởng như mình bị ách lại trong cuộc sống này. Cảm giác ách lại giữa cuộc sống nó khó chịu gấp vạn lần khi bạn ách lại giữa một đám đông tắc đường nào đó.

Thằng bé đi học về, mặt cúi gằm xuống vầy nè – người đàn ông gằm mặt, hai cằm bạnh ra bực dọc. Nó nói, con không đi học nữa đâu ba.

Tại sao?

Không đi học là không đi học. - Nó vùng vằng giận dữ và đóng sầm cửa.

Đó là năm nó 8 tuổi.

Nó tâm sự với em gái – con bé nhỏ xíu chưa hiểu chuyện, mách lại với ba mẹ rằng anh hai nói bị bạn bè bo xì, không chơi vì học ngu. Lên lớp không hiểu gì hết. Cũng chẳng nói chuyện được với bạn vì anh hai nói chẳng ai hiểu.

Tôi hiểu rằng nó đang bị cô lập. Lòng quặn lại vì thương con. Hành động nhanh nhảu đầu tiên là tôi chuẩn bị phong bì hậu hĩnh để đưa cho các thầy cô, bảo mẫu, mua bánh kẹo đồ chơi luôn cho các bạn lớp nó. Nhưng khi đứng lại, suy nghĩ chầm chậm, kĩ lưỡng, tôi hiểu rằng mình chỉ giải quyết đằng ngọn thôi. Bản chất vấn đề không thay đổi. Thằng con vẫn đòi bỏ học. Đám bạn nó không nói con ngu nữa nhưng ánh mắt trẻ con thì không biết nói dối, vẫn thể hiện sự xem thường.

Tôi thu xếp tất cả công việc mình lại, qua Sing để học về những chứng bệnh tâm lí trẻ em. Một khóa học 6 tháng và hằng năm sau đó là thời gian đọc sách, tham khảo từ các chuyên gia, bác sĩ…

Tôi nói với con rằng, các bạn con nói sai rồi. Con không học được toán ở trường là do thầy cô dạy không phù hợp với cách học của con. Con trai thích học về hình ảnh và đặc biệt khó khăn với việc nhìn những chữ, số trên bảng chỉ màu đen trắng đơn điệu thì tôi phải tự học làm những clip, video về học toán, học chữ đủ màu như bảy sắc cầu vồng. Những chữ, số còn phải biết nhún nhảy, biết khóc biết cười như nó và kèm theo những giai điệu nó thích. 3 năm sau con có thể đọc, làm toán cộng trừ nhân chia cơ bản. Suốt 3 năm ấy, có những ngày tôi chỉ ngủ 3 – 4 tiếng.

Nếu tôi cứ để mặc kệ con trong xã hội, nó sẽ là con của xã hội. Khi tôi ôm nó để uốn theo cách của mình, tôi tin nó sẽ là con của mình, có thể phát triển theo kì vọng của mình dù mức độ phát triển của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Đứa trẻ của tôi phát triển chậm, điều đó không sao hết, nó chỉ nói lên rằng cả tôi và nó phải nỗ lực hơn những đứa phát triển bình thường mà thôi.

Những đứa trẻ bị tổn thương thực ra rất nhạy cảm mà phụ huynh có khi lại lờ đi việc này. Nó luôn hỏi tôi rằng: “Thiệt không ba?” khi tôi bảo các bạn sai, con đúng. Việc này chỉ đơn giản là truyền cho con sức mạnh từ niềm tin và niềm vui. Khi con chưa có năng lực gì cả thì thứ ít nhất phải có là niềm tin và niềm vui. Để giải quyết vấn đề này không dễ. Con thích một món ăn nào đó ngoài quán, khi nó khen, tôi bảo: “Được, ba sẽ nấu cho con ăn món này thật ngon”. Ngay lập tức tôi phải học nấu bằng được món ăn đó, nấu sao cho vừa miệng để nó cảm nhận ngon hơn ở quán. Có thể món ăn chưa chắc đã ngon hơn nhưng ở nhà rộng rãi, mát mẻ, có chút nhạc con thích sẽ dễ khiến nó hài lòng hơn. Bao nhiêu năm trước đó tôi không nấu nướng. Không sao cả. Với người đang dừng lại mọi việc bên ngoài xã hội sẽ có nhiều thời gian để thu xếp hơn tất cả những người đang hối hả tiến bước.

Khi ông Trời trao cho ba mẹ một đứa trẻ đặc biệt, là vì ổng muốn thử thách bản lĩnh và sự kiên trì, hẳn ông ấy không múon nghe tiếng than thân trách phận, mà muốn nhìn thấy sự nỗ lực. Yêu con thì ai cũng yêu nhưng chỉ những ông bố bà mẹ nào có thể thành chuyên gia thì mới có thể dẫn con mình vượt lên.

Đến một ngày tôi nhận ra mình đã là chuyên gia dù từ lâu lắm đã đứng lại trong công việc còn bạn bè đã trở thành ông này bà nọ. Thời điểm tôi dừng lại mọi việc, người ta gọi tôi là chuyên gia trong ngành của mình. Giờ thì chẳng còn ai gọi tôi là chuyên gia sau gần 10 năm dừng lại. Không sao hết, tôi thấy hạnh phúc khi mình chậm lại mà con thì đã vượt lên.

Bây giờ nó 16 tuổi rồi, nó không giỏi toàn diện (tôi tin chẳng ai giỏi toàn diện được cả) nhưng có khá nhiều kết quả dẫn đầu lớp, như về tiếng Anh và bơi lội. Vừa rồi, nó còn đạt giải nhất trong kì thi ẩm thực ở trường khi nấu vài món ăn do tôi dạy. Và tôi là người cha hạnh phúc.

* * * * *

Câu chuyện hạnh phúc của người cha ấy lan tỏa trong tôi, một người mẹ đôi khi vẫn thấy mình ách lại giữa cuộc sống này. Trên vòm phi lao nắng mật ong đổ dài từng vệt và những tiếng chim xôn xao, xôn xao.

Sống chậm để hạnh phúc, không chỉ là việc lắng nghe những tiếng chim và ngắm nhìn những giọt nắng…

15/10/2018 (Tôi sẽ viết cái mốc ngày này, cho ngày mà có một người đàn ông xa lạ làm thay đổi tâm trí của mình).

Võ Thu Hương