Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

Đào Tuấn 03/11/2018 12:59

(Baonghean.vn) - Sáng 3/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành phiên họp thường kỳ để nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Ảnh: Đào Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Ảnh: Đào Tuấn

Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thái Thanh Quý -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy và đại diện các ban, ngành, đơn vị liên quan.

Phiên họp tập trung vào các nội dung: Nghe và cho ý kiến 4 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghe và cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất giày dép da xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vân Diên, huyện Nam Đàn; Kỳ họp lần này BTV Tỉnh ủy cũng dành thời gian thảo luận, bàn việc ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 19/9/2012 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới. BTV Tỉnh ủy và các ban, ngành liên quan cũng nghe kết quả báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thị xã Hoàng Mai: 21/58 chỉ tiêu đô thị loại III chưa đạt

Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Võ Văn Dũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: Đào Tuấn
Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Võ Văn Dũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: Đào Tuấn

Theo báo cáo của Thị ủy Hoàng Mai, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII), kinh tế thị xã hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt 18,75%; giá trị gia tăng bình quân đầu người từ 27,7 triệu đồng (năm 2014) tăng lên 54,94 triệu đồng năm 2018. Về văn hóa xã hội, đến nay thị xã Hoàng Mai có 25/41 trường đạt chuẩn quốc gia; thành lập mới 1 trường THPT công lập; Lễ hội đền Cờn đã được công nhận là di tích văn hóa phi vật thể quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,56%.

Công tác quy hoạch, quản lý, chỉnh trang đô thị đã được cải thiện đáng kể. Thị xã đã hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Về công tác thu hút đầu tư, từ năm 2014 đến nay thị xã Hoàng Mai đã thu hút được 42 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng… Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa II, dự kiến có 23/27 chỉ tiêu đạt và vượt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực của thị xã Hoàng Mai, đồng thời chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Đó là kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thương mại, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu; Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ. Có 21/58 tiêu chí đô thị loại III chưa đạt;...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Đào Tuấn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đề nghị lãnh đạo thị xã Hoàng Mai cần nghiên cứu, tập trung các giải pháp nhằm tạo môi trường ổn định, thuận lợi nhằm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra. Ảnh: Đào Tuấn

Chia sẻ với những khó khăn của một thị xã trẻ, mới thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND cho rằng, thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều, trong khi đó thị xã Hoàng Mai có đến 21/58 chỉ tiêu chưa đạt theo tiêu chí đô thị loại III. Chính vì vậy, mục tiêu để thị xã Hoàng Mai trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp của tỉnh trở nên rất khó khăn. Để khắc phục thực tế trên, lãnh đạo địa phương cần nghiên cứu, tập trung các giải pháp nhằm tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi nhằm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra một số tồn tại mà thị xã Hoàng Mai cần tập trung khắc phục. Ảnh: Đào Tuấn

Chỉ đạo nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thị xã Hoàng Mai mới thành lập nhưng nhanh chóng ổn định mọi mặt để phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh được đảm bảo. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra một số tồn tại mà thị xã Hoàng Mai cần tập trung khắc phục.

Đó là đô thị phát triển chậm, chưa có sự định hình cụ thể, rõ nét. Trên địa bàn chưa có công viên, công trình văn hóa cộng đồng; hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị còn yếu; lĩnh vực giáo dục và y tế chưa phát triển tương xứng với vùng đô thị mang tính công nghiệp; hoạt động du lịch hiện nay còn chủ yếu dựa vào điều kiện đặc điểm tự nhiên; việc triển khai các dự án còn gặp khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là vẫn còn tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề này. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, với bối cảnh, tình hình như hiện nay, mục tiêu giá trị gia tăng bình quân đầu người đến năm 2020 là 81 triệu đồng/người/năm của thị xã Hoàng Mai sẽ rất khó đạt.

Lưu ý về vấn đề khai thác, phát triển kinh tế vùng ven biển, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu lãnh đạo thị xã Hoàng Mai cần nghiên cứu kỹ giữa vấn đề lợi ích và bảo vệ môi trường; có biện pháp giám sát chặt chẽ, quản lý hoạt động của các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trong công tác thu hút đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị thị xã Hoàng Mai cần nâng cao hơn nữa cải cách hành chính, thực hiện nhanh gọn các thủ tục xúc tiến đầu tư. Về các đề xuất của thị xã Hoàng Mai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tỉnh sẽ lưu ý, các dự án trọng điểm và các dự án đang dở dang nằm trong kế hoạch sẽ ưu tiên thực hiện. Các đề xuất khác căn cứ vào thực tế để từng bước giải quyết. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh phối hợp thị xã Hoàng mai rà soát lại công tác quy hoạch tại địa phương.

Dự án Nhà máy sản xuất giày dép giải quyết việc làm cho 2.000 công nhân

Tiếp đó các đại biểu đã nghe và cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất giày dép da xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vân Diên, huyện Nam Đàn.

bna_Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa báo cáo kết quả triển khai dự án Nhà máy sản xuất giày dép tại cụm công nghiệp Vân Diên, huyện nam Đàn. Ảnh Đào Tuấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa báo cáo kết quả triển khai dự án Nhà máy sản xuất giày dép tại cụm công nghiệp Vân Diên, huyện nam Đàn. Ảnh: Đào Tuấn
Dự án Nhà máy sản xuất giày dép da xuất khẩu được đầu tư bởi Công ty TNHH Đỉnh Vàng. Nhà máy này được xây dựng tại Cụm công nghiệp xã Vân Diên (Nam Đàn) với diện tích hơn 8ha, quy mô dự án: 3 triệu đôi giày dép các loại/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 283 tỷ đồng. Công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2021. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương.

Phát biểu góp ý vào chủ trương đầu tư dự án, các đại biểu cho rằng dự án phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển các cụm công nghiệp Nghệ An đến năm 2020. Dự án phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh và huyện Nam Đàn… Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh và huyện Nam Đàn yêu cầu chủ dự án xây dựng nhà ở cho công nhân trong khuôn viên nhà máy; quan tâm đầu tư hạ tầng, giao thông, nhất là đoạn ngã tư thị trấn Nam Đàn và tuyến Quốc lộ 15A đi theo hướng Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. Trên cơ sở đó nhằm đảm bảo ATGT cho công nhân nhà máy khi dự án đi vào hoạt động.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng đây là một trong những dự án quan trọng của tỉnh và huyện Nam Đàn, khi hoàn thành dự án sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, cùng với đó là sẽ hình thành các hoạt động dịch vụ tiện ích khác. Chính vì vậy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban ngành và huyện Nam Đàn quan tâm để dự án thực hiện theo đúng lộ trình.

Thống nhất thay đổi Nghị quyết về DS-KHHGĐ

Kỳ họp lần này BTV Tỉnh ủy cũng dành thời gian thảo luận, bàn việc ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 19/9/2012 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới. Qua tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 09 cho thấy, mặc dù chỉ thị 09 phù hợp với địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng chưa phù hợp với tình hình chung của cả nước, chính vì vậy BTV Tỉnh ủy nghiên cứu để thay thế.

Phát biểu chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Trung ương đã ban hành Nghị quyết và chủ trương mới về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chính vì vậy, tỉnh cũng phải thay đổi cho phù hợp. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, lâu nay trên địa bàn tỉnh tồn tại một số hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, thậm chí có những đảng viên gian dối trong việc sinh con thứ 3. Chính vì vậy việc ban hành nghị quyết mới, chặt chẽ hơn, phù hợp với mục tiêu chung của Trung ương là điều cần thiết.

Vẫn còn tình trạng lạm thu, chi sai tại các trường học

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bna Lê Thị Hoài Chung - phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ảnh: Đào Tuấn
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Hoài Chung trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ảnh: Đào Tuấn

Các thành viên BTV Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau khi nghe dự thảo báo cáo do đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày và ý kiến một số đại biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Nghị quyết số 29-NQ/TW là một trong những nội dung quan trọng có tính chất định hướng, bản lề về giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy việc tổng kết, đánh giá nghị quyết có ý nghĩa then chốt đối với định hướng phát triển giáo dục của cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.

bna_ Bí thư Tỉnh ủy
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định hiện nay vẫn tồn tại tình trạng lạm thu, chi sai tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn

Mặc dù vậy liên quan đến lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu lên một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm đối với phương pháp tiếp cận dạy và học trong thời gian qua, như: Việc dạy học theo chương trình VNEN; đổi mới sách giáo khoa; công nghệ giáo dục…

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, về chất lượng giáo dục lâu nay chưa có sự đánh giá sâu mà chủ yếu dựa vào các con số như: số lượng học sinh giỏi, số trường đạt chuẩn… Các chương trình giáo dục, tài liệu học tập, phương pháp đánh giá chất lượng giáo viên… chưa có sự đánh giá đúng thực chất; các kỳ thi lớn đều xảy ra vấn đề khiến dư luận lo lắng...

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng lâu nay cả nước cũng như Nghệ An đang tập trung đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục nhưng việc đánh giá chất lượng đầu ra của lĩnh vực này chưa phản ánh được bản chất. Công tác đào tạo bậc đại học đang tồn tại nhiều bất cập; hệ thống trường nghề cũng chưa tốt.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đưa ra một số vấn đề mà UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và xử lý như: tình trạng học ngày hai buổi, lạm thu, chi sai tại các trường học, sử dụng số tiền lạm thu để chi cho giáo viên hợp đồng…

Đào Tuấn