Không đánh mất giá trị tâm linh khi xây dựng quần thể văn hóa đền Cuông

Thanh Nga 07/11/2018 13:46

(Baonghean.vn) - Cần nghiên cứu lại bản quy hoạch để tránh lãng phí, không đánh mất giá trị tâm linh của Đền Cuông là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông, sáng 7/11.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có đại diện Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch. Ảnh: Thanh Nga

Đền Cuông hiện là di tích lịch sử văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận theo Quyết định số 09/QĐ - VH ngày 21/02/1975 của Bộ Văn hóa. Đây là đền thờ được xây dựng từ thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao to lớn của Thục Phán An Dương Vương - người có công dựng nước Âu Lạc, xây dựng thành Cổ Loa cùng tướng của ông là Cao Lỗ.

Bản đồ quy hoạch phân khu Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông. Ảnh: Thanh Nga
Bản đồ quy hoạch phân khu Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông. Ảnh: Thanh Nga

Quần thể Đền Cuông được xây dựng và tu sửa nhiều lần với quy mô nhỏ nên chưa xứng tầm. Việc quy hoạch Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông được thực hiện theo chủ trương Công văn số 6737/UBND - VX ngày 01/9/2017 nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân; kỳ vọng sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn kết nối với du lịch bãi biển Cửa Hiền - Diễn Châu.

Trình bày dự thảo quy hoạch, đại diện huyện Diễn Châu là chủ đầu tư xác định: Quy hoạch phân khu Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông phù hợp với định hướng và phát triển không gian đô thị Khu Kinh tế Đông Nam; đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quy hoạch đặc thù khu tâm linh.

Lễ hội Đền Cuông được tổ chức vào 15/2 âm lịch hằng năm, thu hút rất đông du khách thập phương. Ảnh: tư liệu
Lễ hội Đền Cuông được tổ chức vào dịp Rằm tháng 2 âm lịch và kéo dài trong 4 ngày, thu hút đông đảo du khách thập phương. Ảnh tư liệu

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trong quá trình xây dựng công trình, nhà đầu tư cần chú ý phải giữ nguyên hiện trạng ranh giới, kiến trúc cảnh quan Đền Cuông theo đúng Luật Di sản văn hóa. Đặc biệt cần phải chú ý đến không gian sống của nhân dân xung quanh vùng dự án; tính cố kết cộng đồng để đảm bảo đời sống văn hóa tâm linh cho người dân.

Đại diện Sở Văn hóa & Thể thao cũng cho rằng nhiều hạng mục về công trình văn hóa như các tượng thờ thần, thánh, vườn tượng cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để phù hợp với cả quần thể chung.

Việc quy hoạch khu dịch vụ và nghỉ dưỡng, cũng như quy hoạch giao thông, hạ tầng cũng cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học.

Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Kết luận tại hội nghị đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu: “Phía chủ đầu tư cần nghiên cứu lại bản quy hoạch trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn; tổ chức hội thảo trước khi có bản quy hoạch chính thức. Đặc biệt cần nghiên cứu lại bản quy hoạch để tránh lãng phí; không đánh mất giá trị tâm linh của Đền Cuông. Chủ đầu tư cần lấy ý kiến của Ban trị sự Hội Phật giáo, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch để có được bản quy hoạch khoa học. Công trình khi đưa vào sử dụng cần đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.”

Thanh Nga