Vì sao mía ở Tân Kỳ đạt năng suất cao?
(Baonghean.vn) - Vùng mía đường Tân Kỳ được chăm sóc đồng đều và cho sản lượng vượt trội, năng suất cao nhất có nơi đạt 120 tấn/ha, năng suất bình quân đạt gần 60 tấn/ha. Để đạt được năng suất cao, Công ty Cổ phần mía đường Sông Con đã hướng dẫn bà con thực hiện quy trình trồng và chăm sóc mía đúng kỹ thuật.
Những vùng mía đạt năng suất cao được sản xuất từ giống mía mới, đồng thời tuân thủ quy trình kỹ thuật. Quy trình trồng mía đạt năng suất cao mà Công ty CP Mía đường Sông Con đang thực hiện.
1. Đất trồng mía: Đất có tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, PH trung tính, thoát nước tốt, độ dốc < 100 thì càng tốt.
Trồng mía bằng máy trên địa bàn huyện Tân Kỳ được Công ty Cổ phần mía đường Sông Con áp dụng trong nhiều năm qua trên những vùng đất đã được chuyển đổi. Ảnh: Xuân Hoàng |
2. Làm đất: Do thời tiết ở Nghệ An thường có nắng nóng vào tháng 6, 7 và 8, thời điểm này cây mía rất cần nước để vươn lóng, nếu làm đất cạn khả năng chịu hạn của mía sẽ bị kém đi, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng kém.
Vì vậy, đất phải được cày sâu 30 - 35 cm. Nếu làm đất trước khi trồng 30 - 40 ngày để phơi ải, diệt trừ nguồn sâu bệnh là tốt nhất. Sử dụng dàn cày 7 chảo và dàn phay để làm nhỏ đất, tỷ lệ các hạt đất có đường kính trên 5 cm đạt dưới 15%. Rạch hàng sâu trên 30 cm, tốt nhất là mía được trồng và bón phân bằng máy.
Cần thiết kế hệ thống tưới tiêu nước để kịp thời thoát nước mùa mưa và tưới bổ sung khi gặp khô hạn.
3. Giống mía:
Trên địa bàn Tân Kỳ hiện có 6 giống mía mới
Giống mía Việt Đường 93 - 159: Khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, nảy mầm mạnh, đẻ nhánh sớm và tập trung, tái sinh khá tốt. Năng suất nông nghiệp 80 – 110 tấn/ha, độ đường cao trên 12 CCS. Thích ứng tốt trên vùng đất ẩm hoặc có độ ẩm trung bình và đất pha cát.
Giống mía Việt Đường 00 - 236: Nảy mầm nhanh, mạnh, đẻ nhánh khỏe, lưu gốc tương đối tốt, thích hợp trên đất thịt nhẹ đến trung bình có độ ẩm khá, chịu hạn, chịu cằn trung bình. Năng suất nông nghiệp 80 - 120 tấn/ha, độ đường cao trên 12 CCS. Thích ứng trên vùng đất có độ ẩm trung bình và đất pha cát.
Bà con nông dân xóm Thống Nhất, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ chăm sóc cánh đồng mía tập trung ứng dụng KHCN. Ảnh: Quang An |
Giống mía ROC 10: Có tốc độ sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh nhiều, lưu gốc tốt, dễ nhiễm bệnh bạc lá, năng suất cao 80 – 120 tấn/ha, hàm lượng đường tối đa đạt từ 10 – 12 CCS. Thích hợp trên đất chuyển đổi từ đất trồng lúa; đất bãi ven sông.
Giống mía Khonkean 3: Khả năng sinh trưởng tốt ngay từ ban đầu, nẩy mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, ít đổ ngã, không trổ hoa, tái sinh gốc tốt, chưa thấy bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm (chồi cỏ, than..), độ đường tối đa đạt từ 10 - 13 CCS. Thích hợp trên vùng đất không ngập úng.
Giống mía LK 92 - 11: Sinh trưởng nhanh ở giai đoạn sau, nảy mầm khỏe, đẻ nhánh tốt, ít đổ ngã, tái sinh gốc rất tốt, mật độ cây hữu hiệu cao, không trổ cờ, kháng được nhiều bệnh. Năng suất cao từ 100-120 tấn/ha, độ đường tối đa đạt từ 10-12 CCS. Thích hợp trồng trên chân đất sét pha cát, giàu mùn.
Giống mía K2000: Sinh trưởng nhanh, nảy mầm khỏe, đẻ nhánh tốt, ít đổ ngã, tái sinh gốc tốt, mật độ cây hữu hiệu cao, không trổ cờ, kháng được nhiều bệnh. Năng suất cao từ 100-130 tấn/ha, độ đường tối đa đạt từ 10-12 CCS. Thích hợp trên vùng đất thịt, thịt nhẹ, đủ ẩm, giàu dinh dưỡng.
4. Cách trồng
Thời vụ: Từ 1/10 đến 30 tháng 4 năm sau.
Mật độ: Tùy điều kiện đất đai và loại giống mía để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 40.000 - 45.000 hom/ha (mỗi hom có 3 mắt), tương đương 10 - 12 tấn giống/ha.
Khoảng cách hàng: Tùy việc canh tác thủ công hoặc bằng máy để bố trí khoảng cách, thường canh tác thủ công thì khoảng cách 2 tâm hàng từ 1,0 - 1,2m, hoặc canh tác bằng máy thì khoảng cách giữa 2 tâm hàng từ 1,3 - 1,5m x 0,4m.
Trồng thủ công: Đặt hom dọc theo rãnh, phủ kín đất 3 - 10 cm (tùy vào vụ trồng và thời tiết). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Trong vụ trồng chính nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng.
Trồng và bón lót bằng máy: Yêu cầu người bỏ giống phải đều tay.
5. Chăm sóc
Đối với mía tơ: Khoảng 15 - 25 ngày sau trồng, khi cây mía có 1 - 2 lá thật hoặc thu hoạch vụ trước, nếu thấy mất khoảng > 0,5 m thì phải trồng dặm. Nên dặm vào buổi chiều hoặc lúc trời mát. Tốt nhất là dùng các hom đã nảy mầm đặt thêm ở các đầu hàng hoặc hom đã được ươm trong bầu đất chuẩn bị trước đó.
Đào rãnh sâu ngang với đáy rãnh lúc trồng, đặt cây dặm và lấp kín gốc. Khi dặm đất phải đủ ẩm, cây đem dặm phải cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, nén chặt đất vào gốc cây dặm. Nếu có điều kiện cần tưới ngay sau khi dặm.
Bón phân
Bón lót: Cần bón lót vôi bột trước lần cày bừa cuối cùng, với lượng từ 1,0 - 1,5 tấn/ha.
Phân hữu cơ: 10 - 20 tấn (phân chuồng, phân rác, bã bùn, tro,…).
Phân NPK 11.6.8: 1,0 tấn/ha.
Bón thúc: Phân NPK 11.3.8: 1,5 tấn/ha, được chia đều để bón 2 lần thúc đẻ (khi mía được 4-5 lá) và thúc lóng (khi mía được 1-2 lóng thật). Bón cách gốc mía khoảng 20 – 25 cm, ở độ sâu 25 cm. Để có hiệu quả, cần dùng máy cày để cày ngầm, bón phân, làm tơi đất giữa 2 hàng mía.
Tưới tiêu nước
Tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào các giai đoạn khô hạn kéo dài, đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và bắt đầu vươn lóng.
Mía cần nhiều nước nhưng chịu úng rất kém, đặc biệt là thời kỳ cây con và thời kỳ vươn lóng. Để tránh bị úng, ruộng trồng mía phải bằng phẳng, thiết kế hệ thống tiêu nước ngay sau khi trồng, xung quanh ruộng cần có rãnh, mương thoát nước.
Công tác phòng trừ sâu bệnh rất quan trọng
Cây mía thường bị bệnh chồi cỏ và bệnh than: Nếu phát hiện bệnh chồi cỏ hoặc bệnh than, kịp thời đào bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh.
Rệp xơ bông trắng: Rệp xơ bông trắng thường gây hại quanh năm, thường gây hại nặng từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau.
Khi phát hiện mía bị nhiễm rệp (mới xuất hiện ở một vài khóm), bà con nông dân phải thực hiện bóc lá, vệ sinh đồng ruộng và sử dụng thuốc Anbom 48 EC để phun. Trường hợp rệp phát sinh trên diện rộng cần phun đồng loạt trên phạm vi toàn vùng.
Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây mía để phòng trừ kịp thời. Ảnh: Xuân Hoàng |
6. Đối với mía lưu gốc
Sau khi thu hoạch phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay, dùng cuốc hoặc dao sắc để bạt sát đất những gốc cao (không nên đốt lá sau khi thu hoạch).
Sau khi bạt gốc cần tiến hành dặm những chỗ bị mất gốc hoặc mất mầm.
quy trình chăm sóc
Trong vòng 15 ngày kể từ khi thu hoạch, mỗi ha bón 1,0 tấn phân NPK 11.6.8, bón cách hàng mía khoảng 20 đến 25 cm, ở độ sâu 25 cm. Để có hiệu quả, cần dùng máy cày để cày ngầm, bón phân, làm tơi đất giữa 2 hàng mía, kết hợp cắt lá mía khô có ở trên mặt ruộng.
Nếu thời tiết hạn hán, trong vòng 15 ngày kể từ khi bón lót, tiến hành tưới với lượng nước 800 đến 1.000 m3/ha/lần tưới.
Bón thúc: Khi mía có 9 đến 12 lá (có 1 đến 2 lóng thật), mỗi héc ta bón 1,5 tấn phân NPK 11.3.8, bón cách hàng mía khoảng 20 – 25 cm, ở độ sâu 25 cm. Để có hiệu quả, cần dùng máy cày để cày ngầm, bón phân, làm tơi đất giữa 2 hàng mía./.