Người biến vải vụn thành những bức tranh

Diệp Phương 14/11/2018 17:01

(Baonghean.vn) - Dưới đôi bàn tay tài hoa của ông Chắt những mảnh vải vụn vốn đã bị vứt đi được “hô biến” thành những bức chân dung, tranh trang trí rất sinh động.

Bà Chắt (vợ ông Chắt) bên những tác phẩm may của người chồng quá cố. Ảnh: Diệp Phương
Bà Chắt (vợ ông Chắt) bên những tác phẩm may của người chồng quá cố. Ảnh: Diệp Phương

Đó là câu chuyện chúng tôi tình cờ được nghe kể và chiêm ngưỡng những tác phẩm của người thợ may quá cố Bùi Văn Chắt (sinh năm 1938, mất năm 2004) ở xóm Bích Thị, xã Thanh Giang (Thanh Chương). Dù ông đã qua đời hơn một thập kỷ nhưng những bức chân dung, tranh trang trí do ông may hiện vẫn còn được rất nhiều khách hàng tại địa phương lưu giữ.

Không chỉ được giới làng may trong vùng kính nể bởi tay nghề số một, ông còn được mọi người “phục sát đất” bởi sự sáng tạo, độc đáo khi may những bức tranh sinh động từ những mảnh vải vụn. Bà Chắt (vợ ông) cho biết, khi thấy những miếng vải vụn nhỏ rất đẹp nhưng lại bỏ đi ông thấy tiếc nên đã tích cóp lại và tranh thủ những hôm rỗi khách, ông đã mang số vải đã nhặt ra lựa chọn màu và ghép những miếng vải đó thành khuôn mặt của một số người bạn, may thành những bức chân dung để tặng bạn bè. Bằng món quà độc đáo này, ông Chắt khiến bạn bè rất ngạc nhiên bởi sự sáng tạo. Việc thể hiện thần thái khuôn mặt là điều rất khó trong một bức tranh chân dung nhưng ông Chắt đã nghiên cứu ra được cách rất riêng để ghép những mảnh vải vụn phù hợp với màu da, màu tóc, tạo hồn cho đôi mắt cũng như khuôn mặt của nhân vật.

Bức chân dung may từ vải vụn của ông Chắt. Ảnh: Diệp Phương
Bức chân dung may từ vải vụn của ông Chắt. Ảnh: Diệp Phương

Ngoài ra, ông còn may những bức tranh trang trí như Xuân - Hạ - Thu - Đông, hoa lá, núi rừng,…rất đẹp và tinh tế từ những miếng vải vụn. Không quá cầu kỳ, rối rắm, những bức tranh được ông bố trí cân xứng, chọn màu nhã nhặn và đặc biệt mỗi bức tranh đều được ông sắp xếp những điểm nhấn nhá nhẹ nhàng để tăng thêm sức hút cho tác phẩm.

Nhớ lại những ngày phụ ông may vá, bà Chắt chia sẻ: “Ông có trí tưởng tượng phong phú, ông vẽ chúng ra, rồi ghép các mảnh vải vụn lại với nhau, may chúng thành những bức tranh. Cách may của ông cũng rất lạ, dù ông may trên mặt trái, không thể nhìn được những cái mình may nhưng bằng một giác quan đặc biệt nào đó ông vẫn may đúng và đẹp đến từng chi tiết nhỏ”.

Một bức tranh Xuân - Hạ - Thu - Đông ghép từ vải vụn của ông Chắt. Ảnh: Diệp Phương
Bốn bức tranh Xuân - Hạ - Thu - Đông ghép từ vải vụn của ông Chắt. Ảnh: Diệp Phương

Lúc đã về già, ông Chắt lại muốn tìm hiểu may các loại đồ tế tự, như: cửa võng, hoành phi câu đối,… Với tài năng sẵn có và sự cần mẫn tìm tòi, ông Chắt đã may thành công rất nhiều tác phẩm tế tự, được bà con yêu mến, tìm đến đặt hàng. Hiện nay, nhiều sản phẩm ông từng may vẫn được lưu giữ tại các nhà thờ và nhiều gia đình tại ở huyện Thanh Chương.

Diệp Phương