Nhà Trắng bất hòa vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Thành Nguyễn 15/11/2018 17:25

Hai cố vấn thương mại cấp cao nhất của Trump công khai tranh cãi về chính sách với Trung Quốc khi chiến tranh thương mại đang đến cao trào.

Từ trái qua: Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Tổng thống Donald Trump, Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nay đã kéo dài gần nửa năm với mức độ ảnh hưởng ngày càng khốc liệt. Trong khi Trung Quốc chưa có những dấu hiệu rõ ràng về sự nhượng bộ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt quanh quan điểm thương mại với Bắc Kinh, điều có thể giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có thêm quyết tâm đối đầu với Mỹ, theo Washington Post.

Mâu thuẫn trong Nhà Trắng giữa Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro được cho là đã tồn tại âm ỉ từ lâu, đặc biệt là quan điểm trái ngược giữa hai người về thương mại với Trung Quốc. Trong khi Kudlow muốn giữ quan hệ kinh tế ôn hòa với Bắc Kinh, Navarro được coi là người cứng rắn hơn nhiều và luôn muốn gây thêm áp lực với Trung Quốc.

Mâu thuẫn đó bùng phát hôm 13/11, khi Kudlow công khai lên tiếng chỉ trích những bình luận gần đây của Navarro về vấn đề thương mại với Trung Quốc. Navarro trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cuối tuần trước đã cáo buộc một số người Mỹ mà ông không nêu tên đang hành động như "đặc vụ nước ngoài không hưởng lương", tìm cách đưa "ý chí của Goldman Sachs và Phố Wall" vào một thỏa thuận giữa hai siêu cường kinh tế.

Đề cập đến triển vọng Mỹ - Trung có động thái hạ nhiệt căng thẳng thương mại, Navarro cho rằng, thỏa thuận này phải là "ý chí của Tổng thống Donald Trump, không phải của Phố Wall", đồng thời tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào có sự dính líu của các tài phiệt Phố Wall đều "bốc mùi". Thị trường chứng khoán Mỹ vừa khởi sắc sau thông tin Trump và ông Tập sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G-20 ở Argentina lại lập tức đỏ rực sau bình luận của Navarro.

Hiện không rõ Navarro ám chỉ ai trong bình luận này, nhưng phóng viên Michael Kranish của Washington Post hồi tháng 3 cho biết, Tổng Giám đốc Stephen Schwazman của Tập đoàn Blackstone, một trong những doanh nhân Mỹ có quan hệ thân cận nhất với Bắc Kinh, có thể là người tác động lớn đến quan điểm của Trump với Trung Quốc. "Schwazman tìm cách thuyết phục Trump không thực hiện cam kết tranh cử gọi Trung Quốc là nước thao túng đồng tiền", Kranish viết.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC hôm thứ ba, Kudlow đã chỉ trích gay gắt những tuyên bố này của Navarro cho rằng, lời cảnh báo của cố vấn này yêu cầu các nhà tài phiệt tránh xa đàm phán thương mại Mỹ - Trung là "không đại diện cho tiếng nói của Tổng thống hay chính quyền".

"Bình luận của ông ấy là không chính xác và không được bất cứ ai cho phép", Kudlow nói. "Tôi cho rằng những gì ông ấy làm đã gây hại rất lớn đến Tổng thống".

Bình luận viên Tory Newmyer đánh giá rằng,hục hặc giữa Kudlow và Navarro đáng lẽ không nên xảy ra vào thời điểm chính quyền Trump đang phải dồn sức chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Tập ở Buenos Aires cuối tháng này. Đây được cho là cơ hội tốt nhất để Mỹ và Trung Quốc tránh được nguy cơ đẩy chiến tranh thương mại lên một mức độ khốc liệt mới, bởi Trump từng đe dọa sẽ áp thuế với 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc và tăng mức thuế cũ từ 10% lên 25% từ tháng 1/2019.

Chính quyền Trump dường như đang cố tận dụng cơ hội này để thúc đẩy đàm phán thương mại với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 9/11 điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để thảo luận về vấn đề thương mại. Kudlow hôm qua cũng tiết lộ rằng, Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đang "trao đổi ở mọi cấp và đó là điều tốt". Quan chức này nói rằng chính quyền Trump đang chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho cuộc thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc bên lề hội nghị G-20.

Câu hỏi lớn với ông Tập và các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh hiện nay là Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận như thế nào để chấm dứt cuộc chiến thương mại. Các lãnh đạo Bắc Kinh từng thừa nhận rằng, điều khó khăn nhất với họ trong các cuộc đàm phán với Washington là không nắm bắt được ý đồ của một người khó lường như Trump, điều mà các trợ lý thân cận của ông nhiều lúc cũng không hiểu rõ.

Tuy nhiên, với màn tranh cãi công khai giữa Kudlow và Navarro, Trung Quốc giờ đây có thể có những manh mối mới để nghiên cứu chiến lược đối phó với Trump trong cuộc chiến, giới phân tích nhận định.

"Bài phát biểu của Navarro cho thấy rõ ràng rằng Mỹ đang hướng tới một thỏa thuận với Trung Quốc", Fred Bergsten - Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói. "Navarro không muốn một thỏa thuận như vậy, nên ông ấy công khai than phiền về nó".

Trump (phải) và Kudlow rời khỏi Hội nghị G-7 ở Quebec ở Canada hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Navarro từng là nguồn cảm hứng lớn nhất cho nỗ lực khắc phục thâm hụt thương mại với Trung Quốc của Trump, nhưng một nguồn tin giấu tên hôm qua nói với CNBC rằng Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt vai trò của ông này sau cuộc tranh cãi với Kudlow. Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly cũng được cho là đang tìm cách hạn chế sự tiếp xúc giữa Navarro với Trump.

Nhưng một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng với tính cách khó lường của mình, Trump không chắc chắn sẽ chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong tháng này và cũng có thể thay đổi thái độ về vai trò của Navarro bất cứ lúc nào.

"Đàm phán Mỹ - Trung cũng đang ở tình thế tương tự", Scott Kennedy - Giám đốc Dự án Kinh tế Chính trị và Kinh doanh Trung Quốc thuộc CSIS nói. "Cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo hai nước là cơ hội rất lớn, nên sẽ có rất nhiều cuộc vận động trong và ngoài Nhà Trắng để đề xuất các thỏa thuận dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như ngừng các hành động thù địch giữa hai bên. Những tranh cãi công khai chúng ta thấy hiện nay là hậu quả của những cuộc vận động ngầm đó".

Trong chiến dịch vận động này dường như có sự xuất hiện của cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Phát biểu tại Singapore tuần trước, Paulson, người từng giữ chức Tổng Giám đốc Goldman Sachs cho rằng, một "tấm màn sắt kinh tế" có nguy cơ chia cắt thế giới nếu Mỹ và Trung Quốc không giải quyết được các bất đồng của mình. Kissinger thì cảnh báo mâu thuẫn giữa hai cường quốc có thể "hủy hoại niềm hy vọng về trật tự thế giới". Cả Paulson và Kissinger đều gặp các lãnh đạo Trung Quốc trong vòng hai tuần qua, theo WSJ.

Thành Nguyễn