Hàn Quốc phá hủy trạm gác trong Khu phi quân sự; Đình công lớn đòi tăng lương tại Hy Lạp

Hữu Quân 16/11/2018 06:19

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều tin tức nổi bật như: Hàn Quốc dùng thuốc nổ TNT phá hủy trạm gác trong Khu phi quân sự; Đình công lớn đòi tăng lương tại Hy Lạp; 5 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi đối diện án tử; Thủ tướng Anh cảnh báo khả năng Brexit không xảy ra...

Tổng thống Nga Putin gặp Phó Tổng thống Mỹ bên lề Cấp cao ASEAN

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 15/5. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/11 đã có cuộc gặp ngắn với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Singapore.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Putin cho biết ông đã thảo luận với ông Pence khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), quan hệ với Iran, cũng như sự ổn định chiến lược, việc thực thi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (NEW START). Ngoài ra, ông Putin cũng bày tỏ sẵn sàng gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra vào cuối tháng này tại Buenos Aires, Argentina và sẵn sàng cho công việc chính thức vực dậy nền kinh tế Syria.

Thủ tướng Anh cảnh báo khả năng Brexit không xảy ra

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội ở London ngày 14/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/11, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố các nghị sĩ nước này đang đối mặt với khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận nào, hoặc sẽ không có Brexit nếu Quốc hội không thông qua dự thảo thỏa thuận vừa đạt được với EU.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các Anh, bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội nước này thông qua, song đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn. Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận trên. Để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.

Hàn Quốc dùng thuốc nổ TNT phá hủy trạm gác trong Khu phi quân sự

Ấn tượng với cảnh trạm gác trong DMZ nổ tung - Ảnh 1.

Phần tháp của trạm gác bị phá hủy bằng thuốc nổ trong ngày 15/11. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc ngày 15/11 đã phá bỏ một trạm gác nằm ở biên giới giữa hai miền bằng thuốc nổ. Đây là một phần trong thỏa thuận liên Triều xóa bỏ các trạm gác trong Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều nhằm giảm căng thẳng ở biên giới. Theo thỏa thuận này, hai miền Triều Tiên sẽ thí điểm dỡ bỏ 11 trạm gác như vậy.

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng thuốc nổ để phá hủy trạm gác bởi trạm gác này nằm trên một quả núi, khiến người ta không thể sử dụng máy xúc để làm việc này. Tuy nhiên, để hạ nốt phần còn lại của trạm gác này, máy xúc sẽ được sử dụng để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.

Lực lượng an ninh Nga phòng tỏa hàng loạt nguồn tài trợ khủng bố

Cảnh sát Nga tuần tra tại Moskva. Nguồn: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Nga ngày 15/11 cho biết lực lượng an ninh nước này đã phong tỏa hàng loạt nguồn tài chính sử dụng để tài trợ cho hoạt động của các tổ chức khủng bố. Theo thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), lực lượng chức năng đã bắt giữ một nhóm đối tượng là người Nga, những người ủng hộ việc thành lập cái gọi là một Nhà nước Thế giới Hồi giáo và bị nghi gây quỹ và hậu thuẫn tài chính cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Tại hiện trường, FSB còn thu giữ nhiều thẻ ngân hàng, phương tiện truyền dữ liệu điện tử với các hướng dẫn về cách thức ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố, cách thức liên lạc để tiến hành chuyển tiền, cũng như nhiều tài liệu tuyên truyền tư tưởng tôn giáo cực đoan và các biểu tượng của IS.

Đình công lớn đòi tăng lương tại Hy Lạp

Chú thích ảnh
Hàng nghìn người lao động Hy Lạp đã tiến hành đình công trong vòng 24 giờ, yêu cầu chính phủ tăng lương và lương hưu, vốn bị cắt giảm đáng kể từ năm 2010. Ảnh: Reuters

Đây là cuộc đình công quy mô lớn đầu tiên của khu vực nhà nước sau khi Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ thứ ba - gói cứu trợ cuối cùng kéo dài 3 năm- hồi tháng 8 năm nay và chính thức bỏ lại sau lưng cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Những người lao động đã tuần hành trên các đường phố chính ở thủ đô Athens và tập trung trước trụ sở Quốc hội nước này, giơ cao các biểu ngữ phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng". Do ảnh hưởng của cuộc đình công, các dịch vụ công trên toàn lãnh thổ Hy Lạp đã bị tê liệt. Nhiều trường học đóng cửa, trong khi bệnh viện vắng bóng các nhân viên y tế.

5 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi đối diện án tử

Một người ủng hộ cầm bức ảnh nhà báo Jamal Khashoggi đứng bên ngoài lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở thành phố Istanbul hôm 25.11 /// Reuters
Một người ủng hộ cầm bức ảnh nhà báo Jamal Khashoggi đứng bên ngoài lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul hôm 25/11. Ảnh: Reuters

Công tố viên Arab Saudi Shaalan al-Shaalan ngày 15/11 cho hay 5 trong số 11 nghi phạm bị khởi tố về tội sát hại nhà báo Jamal Khashoggi có thể lãnh án tử hình.

Trong cuộc gặp báo giới ngày 15/11, ông Shaalan cho biết nhà báo Khashoggi bị tiêm liều thuốc chết người và thi thể của ông bị chặt thành nhiều phần hôm 2.10 tại Lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị đưa ra khỏi nơi này. Đây là lần đầu tiên Arab Saudi xác nhận cách nhà báo Khashoggi bị sát hại. Tuy nhiên, công tố viên này khẳng định vẫn chưa rõ thi thể của ông Khashoggi đang bị giấu ở đâu.

Nhật Bản dự kiến tiếp nhận tới 340.000 lao động nước ngoài

Nhật Bản dự kiến tiếp nhận tới 340.000 lao động nước ngoài - Ảnh 1.
Một lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi - Ảnh: NIKKEI

Báo Mainichi (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết dự kiến sau khi luật Công nhận tị nạn và kiểm soát nhập cư sửa đổi của Nhật được thông qua trong tháng tới, trong vòng 5 năm, kể từ tháng 4/2019 (thời điểm bắt đầu tài khóa mới), Nhật Bản có thể tiếp nhận tới 340.000 lao động nước ngoàivào làm việc tại nước này.

Dự luật sửa đổi này hiện đang được bàn thảo tại Quốc hội Nhật Bản tuần này. Trong đó có những điều khoản quy định rõ hai cơ chế cư trú mới cho lao động nước ngoài có kiến thức, kinh nghiệm cụ thể và những những làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn riêng. Các công ty được xem xét cho phép nới lỏng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài bao gồm 14 lĩnh vực ngành nghề, trong đó có điều dưỡng và xây dựng.

Hữu Quân