Đại biểu Quốc hội Nghệ An: Tránh khoảng trống pháp lý trong thi hành án hình sự

Thanh Loan 19/11/2018 15:55

(Baonghean.vn) - Sáng 19/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Các đại biểu đoàn Nghệ An đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo này.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tham gia thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thanh Loan

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang bày tỏ sự tán thành với đề xuất xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình tại 3 kỳ họp. Song đại biểu chỉ ra rằng nếu dự án luật được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thì đến năm 2019 dự án luật mới được thông qua và sớm nhất là đến tháng 12/2019 mới có hiệu lực.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tức là trong vòng 2 năm không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành các nội dung mới của Bộ luật Hình sự như thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng thiếu cơ sở pháp lý để thi hành các quy định của bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi.

Đại biểu Hoàng Thu Trang còn bày tỏ băn khoăn về ân giảm khi thi hành án tử hình. Đại biểu nêu rõ, tại khoản 4 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên khẳng định: Bất cứ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm, hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.

Tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, đã không quy định thời gian tối đa việc người có thẩm quyền bác hay không bác đơn xin ân giảm. Đại biểu Trang nêu lên thực trạng, những năm qua nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm nhưng Nhà nước quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành, mà người bị kết án cũng trong tình trạng chờ chết. Quá trình đó có nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra, ví dụ có người viết đơn xin chết, có người quậy phá, tìm cách này, cách khác gây áp lực rất lớn cho cán bộ trại giam và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Do đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị, khi nghiên cứu luật này cần phải có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nêu trên theo hướng quy định trong vòng khoảng thời gian nhất định nhằm giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác, cũng như sẽ khắc phục được tình trạng "chờ chết" như hiện nay.

Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, đại biểu Trang chia sẻ, đây là một nội dung khó khi xây dựng luật, bởi nó hoàn toàn mới, thiếu cơ sở để tổng kết, đánh giá tác động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các quy định tại dự thảo hiện nay còn khá chung chung, chủ yếu mới dừng lại ở sự phân công mà chưa lường được hết các tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn.

Đại biểu đưa ra ví dụ cụ thể, như sự thiếu cụ thể tại Điều 172, 176, 179, 183 của dự thảo luật về thi hành quyết định thi hành án dân sự đều quy định là cơ quan thi hành án hình sự phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, triệu tập người đại diện của pháp nhân thương mại để thông báo quyết định thi hành án, nhưng chưa quy định nếu như người đại diện pháp luật của pháp nhân thương mại không đến, cố tình trốn tránh thì xử lý như thể nào.

Tại Điều 173, 177, 180, 184, 189 của dự thảo quy định trường hợp pháp nhân thương mại không chấp hành án thì sẽ xem xét, ra quyết định cưỡng chế hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, nhưng trong dự thảo không quy định thời gian để các pháp nhân thương mại tự nguyện thi hành là bao lâu và ai là người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này.

Đại biểu đề nghị, bản chất của các hình phạt, nên cần có sự đánh giá bản chất của các hình phạt ví dụ đình chỉ vĩnh viễn, đình chỉ có thời hạn hay việc cấm kinh doanh.

Thanh Loan