Giáo dục và vân tay

Trần Thị Bích Hà 19/11/2018 10:40

(Baonghean.vn) - Để giáo dục từng bước hạn chế tính “đồng phục” và áp đặt, hướng đến cá thể hóa cho từng người học là không hề dễ dàng, đòi hỏi chúng ta kiên nhẫn với tinh thần của người gieo hạt.

Thời tôi đi học, từ phổ thông đến đại học chẳng nghe thầy cô nào nói về việc các em phải là chính mình, mà thường yêu cầu học sinh noi gương bạn này, bạn kia.

Đến thời đi dạy, trong khoảng 25 năm qua tôi cũng chẳng bao giờ nói với học sinh các em phải là chính mình. Dù không giống với nhiều đồng nghiệp là photo bài văn hay phát cho học trò trước các kỳ thi, thậm chí có giáo viên bắt học trò phải thuộc bài văn gọi là mẫu do mình viết, tôi cũng có không ít lần đọc cho các em nghe những bài văn hay ngầm khuyến khích các em bắt chước. Và dĩ nhiên, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi. Tôi hãnh diện và cứ thế không bao giờ lăn tăn về phương pháp mà mình đã dùng.

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhờ internet, nhờ hội nhập với thế giới, được đọc và nghe nhiều, tôi nhận thức lại nhiều vấn đề. Một trong những quan điểm tiêu biểu của người Mỹ là “tôn trọng sự khác biệt” (respect the difference). Một trong những nền giáo dục hàng đầu của thế giới, đó là Phần Lan, xác định mục đích của giáo dục là giúp học sinh nhận ra mình là ai, có năng lực gì và phát triển năng lực ấy nhằm đóng góp cho xã hội.

Tạo hóa vốn dĩ đã rất kỳ diệu và kỳ công khi tác thành mỗi con người trên thế gian này qua hàng triệu năm, hàng trăm tỷ người đang sống và đã mất đi, vậy mà vân tay của mỗi người một khác, kể cả những người là anh chị em sinh đôi, sinh ba cùng trứng. Và rồi, mỗi người sẽ sống với một nết khác nhau, số phận khác nhau. Như vậy, chủ ý của Tạo hóa đã rõ: mỗi người là khác biệt.

Nhiệm vụ của giáo dục, theo nghĩa gốc của từ này là chỉ bảo, hướng dẫn, chăm sóc (trong tiếng Việt, “giáo dục” là từ gốc Hán: “giáo” có nghĩa là dạy, “dục” có nghĩa là nuôi; trong tiếng Anh, “education” có gốc La tinh ēducātiō nghĩa là nuôi dưỡng, nuôi dạy). Vậy thì, mục đích của giáo dục sẽ là giúp các đối tượng được giáo dục phát triển tốt hơn.

Mọi nền giáo dục ở mọi thời kỳ đều có chung mục đích cơ bản ấy.

Thế nhưng, đến nay, khoảng nửa đầu thế kỷ XXI này, chúng ta thấy, có những dân tộc, những quốc gia đã đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng và văn minh; trong khi đó, vẫn có những dân tộc, quốc gia vẫn chìm trong đói nghèo, tăm tối. Sự khác biệt không phải do tài nguyên tự nhiên, mà đã được chứng nghiệm là do tài nguyên con người, hay nói cách khác là cách phát triển và khai thác tài nguyên con người, là cách làm giáo dục.

Các quốc gia thông qua nền giáo dục của mình đều muốn con người của quốc gia mình phát triển tốt hơn, nhưng rồi kết quả khác nhau, có lẽ do quan niệm về mục đích giáo dục khác nhau, nghĩa là cái “phát triển tốt hơn” ấy không giống nhau. Mấy năm gần đây, đã nhiều người bàn đến cái gọi là “triết lý giáo dục”. Quốc hội khóa XIV trong kỳ họp thứ 6 đang bàn về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đang nóng về chuyện triết lý giáo dục.

Những năm gần đây, với cơ chế mở cho việc đa dạng các loại hình trường, một số trường tư thục đã nắm bắt được xu hướng giáo dục của thời đại, họ đã và đang từng bước xây dựng và thực hiện theo triết lý giáo dục của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, để vừa tồn tại vừa thực hiện được cùng lúc nhiều mục đích khi nằm trong hệ thống giáo dục chung của cả nước với việc thi cử còn nặng nề thì để theo đuổi triết lý giáo dục hiện đại và nhân văn là vô cùng khó.

Giờ đây, tôi muốn dạy các em học sinh của mình, có thể nghĩ khác và viết khác với những điều cô dạy và những điều trong sách. Nhưng như thế, có thể đẩy các em vào rủi ro khi làm bài thi, bài của em không giống với đáp án, em có thể mất cơ hội vào trường tốt. Và nếu hình thành cho các em tư duy nghĩ khác, nói khác, và dám bày tỏ cái khác biệt của mình, em có thể không chỉ mất cơ hội mà thậm chí có thể gặp nguy hiểm. Nếu điều đó xảy ra, mục đích của giáo dục mà tôi đề ra “giúp con người phát triển tốt hơn” có thể bị thất bại.

Trong giáo dục, thất bại của học trò cũng là thất bại của người thầy, và ngược lại.

Cho nên, rất cần một quan điểm giáo dục thống nhất cho toàn bộ hệ thống.

Để giáo dục từng bước hạn chế tính “đồng phục” và áp đặt, hướng đến cá thể hóa cho từng người học là không hề dễ dàng, đòi hỏi chúng ta kiên nhẫn với tinh thần của người gieo hạt. Và tinh thần thôi chưa đủ, cần rất nhiều sự đầu tư vào sinh viên các trường sư phạm và giáo viên đương nhiệm, cần rất nhiều sự đầu tư vào cơ sở vật chất trường lớp. Nếu một lớp học sĩ số trên 30 học sinh thì giáo viên cũng phải botay.com.

Điều vô cùng quan trọng nữa là môi trường bên ngoài trường học, tức xã hội, chấp nhận sản phẩm của giáo dục “mỗi người một vẻ” và tiếp tục tạo điều kiện cho “cây” phát triển tươi tốt, tỏa bóng mát cho đời

Trần Thị Bích Hà