Làm rõ cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong phòng chống tham nhũng

Minh Chi 19/11/2018 19:17

(Baonghean.vn) - Nội dung được nêu ra tại cuộc thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Đ
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Ảnh: Minh Chi

Phát hiện, xử lý 38 tổ chức, 101 cá nhân

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 do Thanh tra tỉnh trình bày tại cuộc họp cho thấy, năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; gắn với tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nạn này.

Cùng đó, công tác đấu tranh chống tham nhũng cũng được các cấp, các ngành tăng cường thông qua công tác thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Năm 2018, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai 271 cuộc thanh tra hành chính tại 550 đơn vị. Qua đó phát hiện 329 đơn vị vi phạm với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng; phát hiện, kiến nghị xử lý gần 1.300 m2 đất; kiến nghị xử lý 38 tổ chức và 101 cá nhân có sai phạm.

Về thanh tra chuyên ngành, toàn ngành đã thực hiện 1.080 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.511 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã ban hành 2.365 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 290 tổ chức, 2.075 cá nhân, với số tiền xử phạt hơn 10 tỷ đồng và số tiền xử lý tài sản vi phạm là hơn 5,2 tỷ đồng.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Hồng Sơn báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng và giải quyết đơn thư năm 2018. Ảnh: Minh Chi
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Hồng Sơn báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng và giải quyết đơn thư năm 2018. Ảnh: Minh Chi

Về báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cho thấy kết quả năm 2018, số lượt tiếp công dân và số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai mà cơ quan Nhà nước các cấp tiếp nhận đều giảm hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Tại cuộc thẩm tra, một số thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã nêu một số vấn đề như: số vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài có giảm, tuy nhiên vẫn còn; công tác tiếp dân, nhiều cơ quan, địa phương đang chủ yếu giao cho cấp phó, vì vậy cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này.

Tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo sai cao, với khiếu nại chiếm 62,4% và tố cáo chiếm 61,4%; đặt ra hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường  phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho rằng,

công tác phòng, chống tham nhũng cần chú trọng ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư xây dựng, thực hiện chính sách cho các đối tượng. Ảnh: Minh Chi

Việc phát hiện sai phạm thông qua thanh tra, kiểm tra tham nhũng cao, nhưng kiến nghị xử phạt hành chính thấp, phải chăng việc xử lý còn nhẹ…

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, một số thành viên băn khoăn khi biểu hiện tham nhũng “vặt”, tham nhũng nội bộ chưa được thủ trưởng các cơ quan quan tâm kiểm soát, phòng chống. Vai trò thanh tra nhân dân trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa được phát huy…

Làm rõ cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong phòng chống tham nhũng

Kết luận tại cuộc thẩm tra, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đề nghị cơ quan Thanh tra tỉnh có giải pháp cho thời gian tới. Liên quan đến công tác giải quyết đơn thư, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm đến chất lượng giải quyết, chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đề nghị cần làm rõ cơ quan, đơn vị nào chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng và chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Minh Chi

Mặt khác, trong giải quyết, các cấp, ngành cần chú trọng tổ chức đối thoại với nhân dân, thấu tình đạt lý, nhằm hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, tránh chủ quan. Cùng đó là quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hạn chế khiếu nại, tố cao sai; củng cố công tác tiếp dân, chú trọng lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm làm công tác tiếp dân…

Trưởng Ban Pháp chế Phan Đức Đồng cũng đề nghị Thanh tra tỉnh quan tâm bổ sung và chú trọng giải pháp quản lý và giáo dục đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên trách trong công tác phòng chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả trong công tác này.

Thanh tra tỉnh cần làm rõ đơn vị, cơ quan nào chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Minh Chi