Việt Nam biến Igla thành tên lửa phòng không trên hạm
Việt Nam vừa tự tích hợp thành công tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla lên tàu săn ngầm Petya.
Trong phóng sự về lữ đoàn tàu săn ngầm mới đây, kênh QPVN đã phát đi hình ảnh cho thấy có sự xuất hiện của bệ phóng tên lửa phòng không trên tàu hộ vệ săn ngầm Petya.
Từ những hình ảnh này cho thấy, Việt Nam đã tự cải tiến lắp thêm tên lửa để tăng cường hỏa lực phòng thủ cho tàu săn ngầm Petya nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Hệ thống tên lửa này cơ bản là gồm một giá phóng lắp các ống phóng tên lửa phòng không vác vai sử dụng đầu dò hồng ngoại riêng biệt. Cho nên, cơ bản chúng không phụ thuộc vào radar của tàu chiến mà độc lập tác chiến, tự phát hiện mục tiêu, tự tiêu diệt.
Tên lửa phòng không trên hạm Việt Nam. |
Tuy không tiết lộ vũ khí trang bị trên bệ phóng của tàu Petya nhưng theo hình ảnh được công bố cho thấy, loại tên lửa vác vai có thể lắp trên giá phòng gồm 9K32 Strela-2 hoặc Igla. Hiện Việt Nam đã tự sản xuất cả hai loại tên lửa phòng không vác vai này.
Igla hay tên gọi đầy đủ là 9K38 Igla là tổ hợp tên lửa vác vai phòng không tầm thấp (NATO định danh là SA-18 Grouse) được cục thiết kế KBM Liên Xô phát triển từ đầu những năm 1980.
Tên lửa này chính thức được chấp nhận trang bị trong lực lượng vũ trang Liên Xô từ năm 1983. Và đã được xuất khẩu tới khoảng 20-30 quốc gia trên khắp thế giới và đạt hiệu quả cao trong một vài cuộc xung đột vũ trang.
Toàn bộ tổ hợp tên lửa Igla khi chiến đấu có trọng lượng khoảng 17,9kg, với phần đạn tên lửa nặng 10,8kg (lắp đầu đạn nổ phá mảnh 1,17kg) trang bị đầu dò hồng ngoại cải tiến khả năng đối phó với các biện pháp gây nhiễu của máy bay chiến đấu đối phương.
Đặc biệt, đầu dò của Igla tăng khả năng đánh chặn mục tiêu ở bán cầu trước ngoài khả năng bắt bám bán cầu sau - hay chính là phần động cơ - vị trí tỏa nhiệt mạnh nhất. Đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2km, độ cao 3,5-4km.
Cùng với gói nâng cấp với tên lửa phòng không, hiện Việt Nam được cho là cũng đã thực hiện thành công hàng loạt gói nâng cấp mới với chiến hạm Petya, trong đó có thay màn hình hiển thị radar thế hệ cũ bằng màn hình tinh thể lỏng.
Và theo Daily News hồi giữa năm 2016, Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ để thay mới hệ thống sonar nhằm tăng cường sức mạnh tác chiến chống ngầm cho lớp chiến hạm không còn mới này.