“Đói” nguyên liệu cho nghề hương trầm

Quang An 20/11/2018 10:19

(Baonghean) - Vào tháng 11 hàng năm, người dân làm nghề hương trầm tại Quỳ Châu (Nghệ An) lại tất bật vào vụ sản xuất phục vụ Tết. Mặc dù là mặt hàng nổi tiếng, mang lại thu nhập cao nhưng hiện nay, nghề hương trầm lại đang gặp nhiều khó khăn để duy trì, phát triển.

Người dân khối 1, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) sản xuất hương phục vụ Tết Nguyên đán.
Người dân khối 1, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) sản xuất hương phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Quang An

Lo lắng khi thiếu nguyên liệu

Về thủ phủ hương trầm Quỳ Châu thời điểm này, những gia đình làm nghề đang tập trung nhân lực từ 2 - 3 người để sản xuất, kịp nguồn hàng phục vụ Tết và các lễ hội. Tuy nhiên, nhiều hộ làm nghề không giấu nổi sự lo lắng. Ông Lê Văn Thân, khối Tân Hương 2, thị trấn Tân Lạc phàn nàn: “Tôi làm nghề hương này đã hàng chục năm rồi nhưng chưa có năm nào giá nguyên liệu lại tăng như năm nay trong khi giá bán ra của sản phẩm không thay đổi”.


Đó cũng là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân làm hương trầm trên địa bàn thị trấn Tân Lạc. Nguyên liệu để làm hương chủ yếu là cây rễ hương, tuy nhiên nguyên liệu tại chỗ không thể đáp ứng được cho việc sản xuất vụ lớn nhất năm nên bà con phải nhập rễ hương từ các huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thanh Chương…

Đa số bà con làm hương hiện nay đều phải nhập nguyên liệu với giá tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Ảnh: Quang An

Ông Lê Văn Đức - Trưởng khối Tân Hương 2 cho biết: Toàn khối có 14 hộ làm hương trầm hàng năm, tuy nhiên có đến 10 hộ phải nhập 100% nguyên liệu để làm nghề, một vài hộ còn lại có diện tích vườn đồi trồng cây rễ hương nhưng không đáng kể.

Chị Nga ở khối 1, thị trấn Tân Lạc chia sẻ: Hàng năm, giá rễ hương khô dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tạ, nhưng đầu vụ năm nay, giá nhập về đã lên đến 6,5 - 7 triệu đồng/tạ.

Một số hộ may mắn đã gom được nguyên liệu từ sớm với giá thành phải chăng, nhưng đa số bà con làm hương hiện nay đều phải nhập nguyên liệu với giá tăng gần gấp đôi so với các năm trước.

Bên cạnh việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì các vấn đề khác như thuê nhân công, máy móc sản xuất cũng đối mặt với nhiều nỗi lo, bà con lo lắng sẽ không có lãi trong niên vụ này. Dự kiến sản lượng hương năm nay sẽ giảm đi vì bà con ngại không dám đầu tư lớn.

Dự kiến sản lượng hương năm nay sẽ giảm vì giá nguyên liệu tăng cao. Ảnh: Quang An

Nâng cao khả năng lo “đầu vào” tại chỗ
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có hàng chục năm. Hiện toàn huyện có 1 HTX và 6 làng nghề hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn, trong đó riêng thị trấn Tân Lạc có 1 HTX và 1 làng nghề sản xuất hương trầm với gần 100 hộ. Tính bình quân, mỗi hộ sản xuất hàng chục vạn cây hương trầm, trừ các chi phí, lãi từ 60 - 70 triệu đồng.

Đa số bà con làm hương hiện nay đều phải nhập nguyên liệu với giá tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Ảnh: Quang An

Do chi phí đầu vào tăng cao nên việc ưu tiên tăng diện tích trồng cây rễ hương, lấy nguyên liệu tại chỗ hiện được xem là một trong những giải pháp cần thiết để bà con yên tâm, ổn định sản xuất.

Đặc biệt, rễ hương trồng trên đất Quỳ Châu có tinh dầu và độ thơm hơn nhiều so với loại rễ được nhập từ các nơi khác. Huyện Quỳ Châu đã thử nghiệm trồng cây rễ hương từ năm 2006. Sau khi đánh giá giá trị kinh tế từ trồng loại cây này, huyện đã có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, hỗ trợ 60% giá giống cho những hộ khai hoang trồng mới.

Qua trao đổi, ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu chia sẻ: Hiện toàn huyện có khoảng 25 ha trồng cây rễ hương hàng năm, phân bố rải rác tại các địa phương như thị trấn Tân Lạc, Châu Bình, Châu Thuận, Châu Hoàn. Những năm trở lại đây, nghề sản xuất hương trầm “đói” nguyên liệu, nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng 30% cho các làng nghề sản xuất hương trầm, bà con chủ yếu phải nhập từ các huyện khác với giá cao.

Cây rễ hương được trồng trên đồi tại Quỳ Châu nhưng diện tích nguyên liệu không đủ để sản xuất.
Cây rễ hương được trồng trên đồi tại Quỳ Châu nhưng diện tích nguyên liệu không đủ để sản xuất. Ảnh: Quang An
Mặc dù huyện có nhiều chính sách khuyến khích nhưng hiện nay việc mở rộng diện tích trồng hương trầm vẫn chưa đáng kể. Nguyên nhân bên cạnh việc quỹ đất để trồng rễ hương của các hộ dân còn ít, thì việc trồng loại cây này đòi hỏi nhiều công đoạn, nhất là khâu thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình đồi núi hiểm trở, không thể dùng máy móc như các huyện miền xuôi mà phải sử dụng thủ công… Từ những khuyến khích của huyện, năm 2018, có một HTX đứng ra trồng 5 ha rễ hương và theo kỳ vọng, việc mở rộng diện tích sẽ được triển khai tích cực trong những năm tiếp theo.

Quang An