Cử tri mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi tiếp xúc ngoài địa bàn ứng cử

Thu Hằng 22/11/2018 09:23

Báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Ban Dân nguyện vừa gửi các ĐBQH cho biết, cử tri Đồng Nai mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến cử tri cả nước.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh V.Đ
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: V.Đ/TTXVN

Trả lời cử tri, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Khoản 2, Điều 27 luật Tổ chức Quốc hội quy định: “ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH; tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm”.

Ngoài ra, Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định: “Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử”.

Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV. Ảnh: V.Đ/TTXVN

Như vậy, việc tiếp xúc cử tri ngoài địa phương, nơi ĐBQH ứng cử là căn cứ vào yêu cầu thực tế công tác của mỗi ĐBQH, nhằm đáp ứng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

“Việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các địa phương tiếp xúc cử tri và nhân dân là thực tế đã được các đồng chí lãnh đạo thực hiện từ trước đến nay và được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng”’, Ban Dân nguyện trả lời.

Trong trường hợp đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận thấy, địa phương và cử tri kiến nghị cần lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp xúc cử tri để giải quyết công việc được tốt hơn thì đoàn gửi trực tiếp kiến nghị đến lãnh đạo.

ĐBQH bị bắt, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức giới thiệu

Cử tri Đắk Lắk đề cập đến việc thời gian qua, một số ĐBQH bị bắt, cho thôi nhiệm vụ đại biểu do liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và đề nghị “Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức trong vấn đề giới thiệu, hiệp thương bầu cử”.

Trả lời cử tri, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc một số Đại biểu bị bắt, cho thôi nhiệm vụ đại biểu liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là điều không mong muốn của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và mặt trận các cấp.

“Các cơ quan ở Trung ương cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương đã rà soát quy trình công tác cán bộ, nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình hiệp thương, giới thiệu ứng cử ĐBQH, từ đó có đề xuất khi sửa đổi luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND".

Thu Hằng