Phương án để Việt Nam sớm có tàu ngầm AIP ?

Đan Nguyên 26/11/2018 11:13

Nếu Việt Nam đặt mua thêm tàu ngầm diesel-điện thì chắc chắn đó phải là một lớp tàu có trang bị động cơ AIP tân tiến, và "bạn hàng" tiềm tàng là Hải quân Ấn Độ.

Hiện nay hạm đội tàu ngầm diesel-điện của Việt Nam gồm có 6 chiếc Kilo 636.1 thuộc biên chế của Lữ đoàn 189. Những chiến hạm này được đánh giá là phương tiện răn đe nguy hiểm nhất nhờ độ tĩnh lặng khi hoạt động và sở hữu dàn vũ khí uy lực.

Tuy nhiên Kilo 636 có một nhược điểm tương đối lớn so với các tàu ngầm thông thường khác đó là nó không được lắp đặt động cơ đẩy không cần không khí (AIP), khiến cho thời gian hoạt động bí mật dưới lòng biển ngắn hơn rất nhiều so với tàu có thiết bị đặc biệt này.

Theo đánh giá từ chuyên gia quân sự Carl Thayer thì trong tương lai hạm đội tàu ngầm của Hải quân Việt Nam cần phải có ít nhất là 8 chiếc mới đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong tình hình mới, cho nên việc đầu tư mua sắm là điều sẽ được tiến hành trong tương lai gần.

u ngầm diesel-điện Kronstadt - chiếc thứ hai thuộc lớp Lada - Dự án 677 của Hải quân Nga

Nếu Việt Nam đặt mua thêm tàu ngầm diesel-điện thì chắc chắn đó phải là một lớp tàu có trang bị động cơ AIP tân tiến, khi đó chúng ta sẽ phải tìm một quốc gia cung cấp khác thay vì đối tác truyền thông là Nga.

Hải quân Nga tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một lớp tàu ngầm diesel-điện AIP nào đủ tin cậy khi chiếc Saint Peterburg còn phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật, đến nỗi chiếc thứ hai thuộc lớp mang tên Kronstadt mới hạ thủy cách đây ít lâu còn phải lược bỏ luôn thiết bị này.

Trong trường hợp không mua tàu ngầm từ Nga thì chúng ta có thể tìm đến các đối tác như Đức với tàu ngầm Type 214, Hàn Quốc với lớp Chang Bogo (một dẫn xuất từ Type 209), hay đặc biệt là Pháp với tàu ngầm Scorpene.

Tàu ngầm diesel-điện AIP lớp Scorpene.

Các ứng viên trên đều là những lớp tàu ngầm tiên tiến hàng đầu thế giới, tuy nhiên nếu mua sắm thì chúng ta không chỉ căn cứ vào tính năng mà còn phải xem xét tới vấn đề đảm bảo hậu cần kỹ thuật hay huấn luyện thủy thủ.

Theo những yêu cầu trên thì lớp Scorpene do Pháp chế tạo đang được xem là tiềm năng nhất, do chúng đã được bán với số lượng lớn cho Hải quân Ấn Độ và còn đi kèm với hợp đồng chuyển giao công nghệ để New Delhi tự đóng tại chỗ.

Hải quân Việt Nam và Ấn Độ thời gian qua đã có những bước gắn kết ngày càng bền chặt, phía bạn đã giúp chúng ta trong công tác đào tạo thủy thủ cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo trì tàu ngầm Kilo 636.

Trường hợp Việt Nam mua tàu ngầm Scorpene thì chúng ta cũng sẽ nhận được những hỗ trợ tương tự từ phía bạn, đây là lợi thế mà phương án mua tàu ngầm Type 214 hay Chang Bogo là không thể có, cho nên sẽ là không ngạc nhiên nếu Việt Nam xem xét mua tàu ngầm Scorpene trong tương lai.

Đan Nguyên