Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Đạo đức là gốc của văn hóa”

28/11/2018 17:42

Trân trọng đăng tải bài viết rất thú vị và ý nghĩa của ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội.

"Chưa bao giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đề cập nhiều đến đạo đức, văn hóa như hiện nay. Người ta nói nhiều đến văn hóa gắn liền với đạo đức là hoàn toàn có lý. Bởi đạo đức là gốc của văn hóa. Văn hóa là biểu hiện ra ngoài của đạo đức. Một người có đạo đức bao giờ cũng có văn hóa. Một người có văn hóa vì người đó có đạo đức

Theo tôi, con người quý nhất là sức khỏe. Thiên nhiên quý nhất là màu xanh. Quốc gia quý nhất là văn hóa. Văn hóa dân tộc có 3 trụ cột quan trọng nhất thể hiện trên 3 mặt của xã hội, kinh tế và chính trị là: văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở (đạo đức công vụ).

Tôi nhớ cuối năm 2006, trong hội nghị tổng kết ngành Văn hóa Thông tin; Rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi, nên xây dựng các tiêu chí để đo đếm một người có văn hóa. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành Văn hóa Thông tin, khi kết thúc hội nghị tôi đưa ra 3 khái niệm để xác định một người có văn hóa như sau:

Một người có văn hóa là 1 người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu (Đó là văn hóa ứng xử).

Một người có văn hóa là một người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, chia tay mong ngày gặp lại (Đó là văn hóa trí tuệ).

Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một người có văn hóa là một người luôn luôn hưởng thụ bằng thành quả lao động chính đáng của mình (Đó là văn hóa vật chất).

Hội đủ 3 yếu tố này là 1 người có văn hóa chuẩn mực mà chúng ta mong muốn.

Đầu năm 2007, khi tôi sang thăm và làm việc tại Nhật Bản, khi hội đàm với ngài Bộ trưởng đồng nhiệm của Nhật Bản, tôi mạnh dạn trao đổi: Tôi rất ngưỡng mộ nền văn hóa của Nhật Bản mà đỉnh cao là 5 giá trị: yêu quý trẻ thơ. Tôn trọng phụ nữ. Kính trọng người già. Tôn vinh người giỏi. Nghiêm khắc với người sai phạm. Tôi đặt vấn đề với ngài Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản có thể khái quát bằng mấy chữ nói lên đặc trưng văn hóa cao nhất của người Nhật Bản là gì, để tôi về dễ triển khai ở Việt Nam.

Trước đó tôi đề cập 3 khái niệm về một người có văn hóa ở Việt Nam để ngài Bộ trưởng Nhật Bản dễ hình dung và chọn chữ. Ngài Bộ trường Nhật Bản nhẹ nhàng trao đổi: Văn hóa rộng lớn lắm mà khái quát thành mấy chữ là rất khó, nhưng tôi tạm tìm mấy chữ trả lời Ngài trước, sau này có dịp gặp lại nhau tôi sẽ bổ sung thêm. Có thể khái quát đến mức ngắn nhất văn hóa của người Nhật là “không làm phiền người khác”. Tôi nhận ra ngay, đây chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Bác Hồ không bao giờ làm phiền cấp dưới...

Giữa tháng 6/2008, tôi sang thăm và làm việc tại Ai Cập. Tôi tranh thủ hỏi thêm Ngài đồng nhiệm của Ai Cập về việc tại sao người Hồi giáo Ai Cập lại được lấy 4 vợ. Ngài bộ trưởng Ai Cập vui vẻ trả lời: Luật hôn nhân của Ai Cập cho người Hồi giáo được lấy 4 vợ với các điều kiện cụ thể như sau: Lấy vợ thứ 2, phải được vợ thứ nhất đồng tình bằng văn bản. Có nhà cho vợ thứ 2 ở tương đương như vợ đầu và người chồng phải có trong tài khoản 500.000 đô la.

Tương tự như vậy, muốn lấy vợ thứ 3 phải được 2 vợ trước đồng tình bằng văn bản. Có nhà cho bà vợ thứ 3 ở tương đương với 2 bà vợ trước và người chồng phải có trong tài khoản 1 triệu đô la Mỹ. Cũng như thế, khi cưới bà vợ thứ 4 (đến đây là kết thúc) phải được 3 vợ đã có đồng tình. Có nhà tương xứng cho bà vợ thứ 4 ở riêng và trong tài khoản của người chồng có từ 1,5 triệu đô la trở lên. Tôi nghĩ kỹ và nhận thức rằng, dù được lấy 4 vợ nhưng nền tảng hôn nhân của người Hồi giáo Ai Cập vẫn đề cao văn hóa và đạo đức, với 4 giá trị được tôn vinh là: Tự nguyện, công bằng, bình đẳng và người chồng phải biết làm giàu để nuôi dưỡng hạnh phúc cả 4 ngôi nhà nhỏ của mình.

Tôi thiết nghĩ, văn hóa và đạo đức phải được chăm lo từ nền tảng: con người, gia đình, dòng họ, quê hương. Trong đó văn hóa gia đình là gốc. Bởi gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, gia đình là đơn vị an ninh cơ cở, gia đình là đơn vị văn hóa cơ cở. Mọi sự tốt đẹp hoặc đau buồn của quốc gia, dân tộc, thậm chí là của nhân loại đều luôn bắt đầu và xuất phát từ gia đình.

Bác Hồ đã dạy: Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình không yên thì xã hội không vui. Mặt khác đạo đức, văn hóa của xã hội còn lệ thuộc đạo đức văn hóa của chính đảng cầm quyền. Đây là 2 cực quan trọng nhất mà chúng ta phải chăm lo để có một quốc gia giàu đạo đức, dầy văn hóa.

Chính vì thế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và BCH TƯ khóa 12, kỳ họp thứ 8 vừa ban hành Nghị quyết về nêu gương của đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói nêu gương là giá trị đích thực của đạo đức và văn hóa. Đảng ta bắt mạch đúng rồi, hãy làm quyết liệt để lấy lại niềm tin của nhân dân từ đạo đức văn hóa của cán bộ đảng viên, bằng nêu gương của những người đứng đầu, đúng như thời Bác Hồ đã từng có".