Vượt trần thể chế

Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 29/11/2018 11:06

Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc viết cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”.

Gần đây, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp cả nước, VCCI đã truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho cụ Bạch Thái Bưởi, một trong những nhà tư sản dân tộc vĩ đại nhất ở nước ta vào đầu thế kỷ 20.

Cụ Bưởi là biểu tượng cho tinh thần kinh doanh, là biểu tượng của việc phát huy tinh thần dân tộc như một sức mạnh. Cụ là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam khẳng định: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”.

Phong trào “Chấn hưng thương trường và cổ động thực nghiệp” mà Cụ và các doanh nhân thời đó phát động vẫn còn nguyên vẹn giá trị, thúc đẩy chúng ta nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp ngày nay.

Tôi nhắc lại tấm gương Cụ Bạch Thái Bưởi để muốn nói rằng, ngay từ đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tinh thần kinh doanh của cụ và đội ngũ doanh nhân thời đó đã tỏa sáng, cạnh tranh được cả với người Pháp, người Hoa, mang lại niềm tin kinh doanh cho xã hội, cho dân tộc.

Ông Vũ Tiến Lộc

Trở lại câu chuyện về môi trường kinh doanh hiện nay của Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc, nhất là hai năm qua.

Đặc biệt, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu không thanh tra, kiểm tra chồng chéo; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; thực hiện Chính phủ điện tử; cắt giảm tối thiểu 50% các điều kiện, thủ tục hành chính…

Chính phủ cũng đặt mục tiêu cải cách quan trọng là đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3, 4 nền kinh tế có chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi hàng đầu trong ASEAN và hướng tới các chuẩn mực OECD.

Những quyết tâm đó là nguồn cổ vũ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù đã có những thay đổi tích cực và sức nóng của cải cách đang dần lan tỏa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và con đường cải cách môi trường kinh doanh còn rất gian nan.

Gần 60% doanh nghiêp vẫn đang kinh doanh không có lãi, vẫn có tới hơn 78.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2018. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn đang lép vế so với các doanh nghiệp nhà nước và các FDI về quy mô, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng cũng như mức lãi suất hợp lý.

Vẫn có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép. Hơn 40% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2017 và 49% trong năm 2016.

Khảo sát về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho biết, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản là cao hơn so với các nước trong khu vực. Chi phí nộp thuế ở Việt Nam lên tới hơn 39% lợi nhuận, cao nhất so với ASEAN 4; chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Đó thực sự là những vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km) đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Đó là chưa kể đến những chi phí khác như vay vốn, thuê mặt bằng kinh doanh, lao động và đặc biệt là chi phí không chính thức đang tạo những gánh nặng không dễ gỡ bỏ trên đôi vai gầy của doanh nghiệp Việt Nam.

Những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như“1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó.

Một kế hoạch cải cách tổng thể nhằm giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là cơ chế xin-cho hiện vẫn còn chưa được phác thảo. Một khi các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà sẽ có nguy cơ biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và vẫn đè nặng lên doanh nghiệp.

Vì thế, việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn khó thực hiện triệt để.

Nghị quyết của Đảng nêu yêu cầu: đến năm 2020 chúng ta phải hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế thị trường theo những chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế hiện đại và hội nhập. Thủ tướng cũng thường nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thể chế ” là chìa khóa cho phát triển.

Trong nhiều năm gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, tôi đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sinh động của họ cứ sau mỗi lần cải cách thể chế hướng tới tự do, trao quyền kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Nền kinh tế đơn thành phần chuyển sang đa thành phần đã giúp nền kinh tế một thời đâm chồi, nảy lộc và bừng nở là một ví dụ.

Theo đánh giá của Ngân hành Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhìn tổng thể, thì chất lượng thể chế ở nước ta vẫn chỉ ở mức trung bình trong khi những “quả ngọt” dễ hái của Đổi mới đã hết, tăng trưởng đã tới hạn. Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào. Chất lượng thể chế trung bình sẽ không giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Muốn phát triển vượt trôi, trở thành quốc gia phát triển, chất lượng thể chế phải vượt trội, chính quyền phải tinh hoa.

Còn hiện tại, thể chế đụng “trần” vẫn đang cản trở những nỗ lực sáng tạo của các địa phương và cơ sở; gây khó cho người dân, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh.

Theo tôi, để tập trung vào nhiệm vụ cải cách thể chế, các cơ quan Chính phủ cần phải được giải phóng khỏi những việc mà xã hội, thị trường và cấp dưới có thể làm. Chính phủ phải tập trung vào chức năng cốt lõi, không thể dàn trải, ôm đồm.

Theo hướng này, cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, bỏ nhanh chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước của các bộ ngành, đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển giao dịch vụ công, trong đó có các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho xã hội và thị trường, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.

Để đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, các bộ ngành phải thực sự là“kiến trúc sư trưởng” trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những “đốc công”.

Các cơ quan Chính phủ cần quan tâm hơn đến những cải cách thể chế sâu rộng, mang tính hệ thống và dài hạn để giải phóng sức dân, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước – nền tảng và động lực chính cho sự phát triển bền vững và tự chủ của đất nước.

Việt Nam từng có những doanh nhân như Cụ Bạch Thái Bưởi. Gần đây chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của đội ngũ các doanh nhân tỷ phú. Không phải ai làm kinh doanh cũng trở thành tỷ phú, nhưng hãy làm sao để ai cũng có thể làm kinh doanh thuận lợi nhất, an toàn nhất với tinh thần kinh doanh xứng đáng được tôn trọng: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”.

Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam