Sao đỏ trường học, cần không?

Yến Anh 02/12/2018 07:11

Đội Sao đỏ ở nhiều trường học không chỉ là ác mộng với các học sinh mà với cả giáo viên vì có thể khiến cả thầy lẫn trò điêu đứng

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

Một trong những lý do khiến cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ở tỉnh Quảng Bình phạt học sinh (HS) 231 cái tát chính là vì cô chịu áp lực thi đua quá nặng do lớp thường xuyên xếp hạng cuối. Đằng sau sự việc này là… ác mộng "Sao đỏ"!

Ai cũng sợ "Sao đỏ"

Đội "Sao đỏ" là một trong những hoạt động của công tác Đội Thiếu niên trong trường tiểu học và THCS.

Các em tham gia đội "Sao đỏ" được tổng phụ trách Đội giao nhiệm vụ quan sát, theo dõi mọi hoạt động của lớp, của HS, cả những điều thực hiện tốt cũng như những thiếu sót như đi học muộn, không mang khăn quàng đỏ, bảng tên, đồng phục đến đi vệ sinh, nói tục…

Tổng phụ trách của một trường tiểu học tại TP Hà Nội cho chúng tôi biết ở trường mình, tổng điểm "Sao đỏ" trong 1 ngày của mỗi lớp là 40 điểm, chấm theo 3 nội dung: chuyên cần (10 điểm), vệ sinh (10 điểm) và kỷ luật (20 điểm).

Đối với nội dung chuyên cần, nếu sĩ số không đủ, tác phong không nghiêm túc, không hoàn thành nhiệm vụ thì bị trừ 3 điểm/trường hợp; HS đi muộn trừ 1 điểm/HS, nghỉ học không phép: trừ 2 điểm/lần/HS. Ở nội dung vệ sinh, trường hợp lớp bẩn giữa giờ hay cuối giờ sẽ bị trừ 5 điểm; HS bỏ rác không đúng nơi quy định trừ 2 điểm/HS. Còn với nội dung kỷ luật, nếu HS gây gổ, đánh nhau, tùy mức độ bị trừ từ 2-10 điểm; HS mắc các lỗi đi dép lê, không đeo khăn quàng đỏ… trừ 2 điểm/lần vi phạm; có thái độ vô lễ, không vâng lời thầy cô và người lớn thì trừ 10 điểm/lần; ở trong lớp, hành lang, cầu thang (đầu giờ và giờ ra chơi) không đúng quy định bị trừ 2 điểm/HS.

Từ kết quả ghi chép của "Sao đỏ", vào thứ hai hàng tuần, nhà trường sẽ tổng kết, trao cờ thi đua cho các lớp nhất trong tuần. Kết quả thi đua từng lớp sẽ là căn cứ xếp loại thi đua của giáo viên chủ nhiệm lớp đó, ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng của giáo viên.

Hiện nay, dù không biết dựa theo quy định nào của ngành giáo dục nhưng khá nhiều trường xây dựng "thiết chế" đội "Sao đỏ". Vì cách chấm điểm, đặt nặng thành tích nên vô tình đội "Sao đỏ" do chính các em HS tham gia lại được giao "quyền sinh sát" khiến không chỉ có HS, phụ huynh HS mà ngay cả thầy cô giáo cũng phải ngán ngại.

Minh họa: KHỀU

Lạm quyền

Nhiều người ví đội "Sao đỏ" trong trường học giống như những "ngáo ộp" quả chẳng sai!

Một chuyên gia giáo dục cho rằng sự có mặt của đội "Sao đỏ" không có gì sai nhưng cách làm của các trường học đang làm mất dần đi những mặt tích cực khi tất cả mọi chuyện đều gắn vào việc trừ điểm và cộng điểm. Chính bệnh chạy theo thành tích của nhà trường trong việc chấm điểm thi đua đã đẩy giáo viên vào cuộc chạy đua mà ai xếp hạng dưới sẽ bị đánh giá là yếu kém, ảnh hưởng đến danh dự cũng như lương, thưởng.

"Cũng vì áp lực này mà cô giáo Thủy đã "xử" nặng HS. Không phải chỉ mình cô Thủy, tôi biết rất nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng có chung tâm trạng này" - vị chuyên gia này nói.

Cô Nguyễn Hương, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội, tâm sự rằng cô đã từng ức đến phát khóc khi có tuần lớp mình chủ nhiệm bị xếp hạng chót bảng.

"Nếu tôi không sâu sát, bỏ bê HS thì bị xếp loại chủ nhiệm yếu, trung bình cũng chẳng ấm ức gì. Nhưng rõ ràng tôi không như vậy. Tôi gần HS, quan tâm đến các em nhưng vì lý do HS đi học muộn, quên khăn quàng đỏ, chưa tiết kiệm nước… mà lớp bị tụt hạng, tôi bị nhắc nhở ít quan tâm sâu sát HS" - cô Hương nói. Giáo viên này cũng cho rằng việc xếp hạng các lớp phụ thuộc vào đội ngũ "Sao đỏ" của trường nên chịu rất nhiều áp lực.

"Có HS của tôi kể lại có anh "Sao đỏ" đòi con "hối lộ" đồ ăn, nếu không sẽ ghi tên vào sổ, làm ảnh hưởng đến lớp. Chỉ vì một HS phạm lỗi thì cả lớp sẽ phải gánh chịu hậu quả. Cũng chính vì các em này nắm trong tay "quyền hành" quá lớn mà nhiều giáo viên trong trường tôi cũng phải tìm cách lấy lòng" - cô Hương nói.

Chị Lan Hoàng - một người mẹ có con học lớp 4 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - dẫn câu chuyện con trai chị kể lại, trường cháu có một bạn "Sao đỏ" tên là Hùng thường đánh các bạn trong lớp, lại hay đòi quà. Nếu yêu cầu đưa ra không được đáp ứng là các bạn sẽ bị đập vào đầu, vào lưng, ghi vào sổ để bị trừ điểm.

Chia sẻ với những băn khoăn của phụ huynh HS, TS Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần thiết phải xem lại sự tồn tại của "Sao đỏ" trường học; đừng vì chạy theo thành tích mà làm nảy sinh sự ganh đua, mâu thuẫn, tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của chính các em.

TP HCM: Phụ huynh không yên tâm

Tại TP HCM, khá nhiều trường tiểu học, THCS cũng áp dụng mô hình đội "Sao đỏ". Ở một số trường, đội "Sao đỏ" giúp giáo viên theo dõi, quan sát hoạt động, nền nếp, ý thức chấp hành các quy định của HS. Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, đa phần phụ huynh HS bậc tiểu học xem đội "Sao đỏ" ở trường thực sự là nỗi ám ảnh. Chị N.P.T, một phụ huynh Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), cho biết chị thực sự sốc khi có lần vì đường kẹt xe, 2 mẹ con vừa hớt hải đến được trường, con chị đang chạy vội vào lớp thì một thành viên đội "Sao đỏ" chạy đuổi theo con chị bằng được rồi chăm chú nhìn vào bảng tên để điểm danh là con đi học muộn.

Một phụ huynh có con học tiểu học tại Trường Nam Sài Gòn (quận 7) băn khoăn trước việc đội "Sao đỏ" lại tỏ ra có nhiều quyền lực như thế. "Có lần, một bạn trong đội này kiên quyết giữ chặt tay con tôi, không cho vào lớp khi trót quên mang phù hiệu. Cháu làm như vậy khiến tôi có cảm giác con mình như... tội phạm" - phụ huynh này chia sẻ.

Trên nhiều diễn đàn của các phụ huynh, một số bậc cha mẹ bày tỏ sự không đồng tình với việc tồn tại của đội "Sao đỏ" trong trường học.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, nói rằng chuyện HS được giao nhiệm vụ "Sao đỏ" từ lâu đã gây nhiều bất bình bởi những cách hành xử không hay của Sao đỏ" sẽ tác hại lên tâm lý và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của HS. Vì vậy, nhà trường cần xem lại hoạt động của đội "Sao đỏ", sao cho các em là cầu nối giúp các bạn mình và giúp cô thầy để lớp ngày càng vui hơn, đoàn kết hơn.

Hạ Văn
_______________________________________

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT:

Đừng biến trẻ thành "tai mắt" của thầy cô

Trường học là nơi dạy dỗ các cháu thành người tử tế, nhân ái, khoan dung chứ không phải giáo dục trẻ thành "tai mắt" của thầy cô. Những cách hành xử không hay của đội "Sao đỏ" sẽ tác hại lên tâm lý và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Trẻ sẽ học tính xấu của việc sử dụng quyền lực vượt quá mức.

Việc hình thành đội ngũ "Sao đỏ" không được quy định tại Luật Giáo dục, vì thế các trường cân nhắc tìm giải pháp khác, không nên trường nọ bắt chước trường kia dẫn đến những hành vi phản giáo dục.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Không nên bỏ "Sao đỏ"

Đúng là có hiện tượng một số trường sử dụng đội "Sao đỏ" không đến nơi đến chốn dẫn đến lạm quyền, biến tướng. Nhưng không vì thế mà chúng ta loại bỏ đội "Sao đỏ" trong nhà trường. Vấn đề là hiệu trưởng, tổng phụ trách các trường phải nhận trách nhiệm vì để xảy ra những việc không đúng này. Phải ngăn chặn những hành vi làm sai của đội "Sao đỏ", loại bỏ những học sinh làm sai để chọn những học sinh gương mẫu, nhiệt tình tham gia.

TS Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

Đâu cần "Sao đỏ" trong nhà trường!

Theo tôi, chúng ta vẫn có thể giáo dục đạo đức cho học sinh mà không cần tới đội "Sao đỏ". Cần dạy cho trẻ am hiểu kỷ cương, pháp luật, những quy định chung, từ đó giúp trẻ biết mỗi cá nhân sẽ phải đảm nhiệm các vai trò khác nhau. Cô giáo là người kiểm soát các bạn trong lớp có vi phạm hay không nhưng nếu cô vi phạm thì cũng sẽ phải đối mặt với những kỷ luật của trường, lớp. Rất nhiều quốc gia đã giáo dục như vậy mà không cần phải có "Sao đỏ", thi đua.

H.L.Anh ghi

Yến Anh