Lý do khách quốc tế không quay lại Việt Nam

02/12/2018 21:00

Theo Joe - du khách Australia, Thái Lan hấp dẫn hơn Việt Nam khi có cả nghìn resort cao cấp ở biển khiến nhiều người muốn quay lại.

Như nhiều khách du lịch đến Việt Nam, Jorn (từ Na Uy, đã khám phá 58 nước) dành gần một tháng khám phá dải đất hình chữ S. Dù rất ấn tượng với Việt Nam vì giá rẻ, đồ ăn ngon, đi lại dễ dàng, nền văn hóa đa dạng, năm ngoái Jorn vẫn chia sẻ trên trang blog lý do không quay lại đây: Bẫy du lịch.

Tình huống anh hay gặp phải là tài xế gian lận với chiếc đồng hồ công-tơ-mét chạy nhanh gấp đôi bình thường. Khi anh hỏi phí cước, hai bên đồng ý giá 80 (nghĩa là 80.000 đồng hay 4 USD - Jorn giải thích), nhưng đến nơi tài xế đòi 80 USD. Trên một chuyến xe khách ở Việt Nam, phụ lái thu anh và bạn gái mỗi người 60.000 đồng, trong khi những người khác chỉ phải trả 40.000 đồng. Dù số tiền không lớn, cả hai quyết định xuống xe vì cảm thấy mình bị lừa dối.

Cảm giác này đến với Jorn và bạn gái không chỉ một, hai lần. Theo Jorn, đó là một trong những lý do khiến tỷ lệ khách quay lại Việt Nam ít hơn hẳn so với nước láng giềng Thái Lan.

Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10-40%, trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này đến 80%.

Tiếng xấu dễ lan

Khi tìm kiếm cụm từ "never return to vietnam" (không bao giờ quay lại Việt Nam), Google trả hơn 100 triệu kết quả trong 0,51 giây. Trong số đó, không khó đọc những phàn nàn tương tự Jorn.

Tim Pile, cây bút của SCMP, cho rằng trộm cắp, tắc nghẽn giao thông, vệ sinh thực phẩm kém, tài xế taxi thô lỗ là những nguyên nhân khiến khách không muốn quay lại. Tim dẫn chứng trường hợp một khách du lịch Mỹ bị tấn công và cướp ở TP HCM vào tháng 9/2017, nhưng đường dây nóng dành cho du khách không có người trực ngoài giờ hành chính.

Chia sẻ trên Quora, Joe Bird, du khách từ Australia, đưa ra một số lý do khiến tỷ lệ khách quay lại Việt Nam không bằng Thái Lan. Một là Việt Nam không phải trung tâm trung chuyển quốc tế. Bạn sẽ khó đến nơi mình muốn nếu qua Hà Nội hay TP HCM. Điều này khác với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore hay Dubai, nơi Joe có thể dễ dàng bay thẳng đến nhiều nơi trên thế giới.

Thứ hai là muốn đến Việt Nam, khách ở nhiều nước phải xin visa trước. Họ có thể làm thủ tục để đến Việt Nam một lần nhưng trong các chuyến du lịch sau, họ sẽ ưu tiên tới các nước miễn visa hoặc cấp visa cửa khẩu tiện lợi hơn nhiều. Joe còn nhắc đến nhận thức. Bởi từng có thời gian anh đi đâu cũng nghe mọi người nhắc đến Việt Nam - nơi phải đến một lần trong đời. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, Joe thấy làn sóng chỉ trích của các blogger, kể về trải nghiệm họ bị lừa đảo, chèo kéo khi du lịch.

Tại cuộc họp báo về vụ "khách Australia thất vọng khi mua tour Hạ Long" hồi tháng 5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khi đó, nhấn mạnh chỉ cần một vụ tai tiếng, hình ảnh của du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì thông tin này lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội và rất khó lấy lại.

Nhóm du khách Australia từng bức xúc khi mua tour du thuyền Hạ Long nhưng chất lượng dịch vụ thực tế không như công ty quảng cáo, tàu đón khách ở Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Lynne Ryan.

Với tình trạng an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm... trở thành nỗi sợ của du khách, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng không khó để giải quyết nếu có đích danh người chịu trách nhiệm vấn đề này.

Mới chỉ đáp ứng khách tò mò, khám phá

Ông Bình cho rằng khách quay lại thường rơi vào nhóm nghỉ dưỡng, mua sắm và công tác (du lịch MICE). Điển hình ở Đông Nam Á, Thái Lan là thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng. Sở hữu nhiều trung tâm thương mại, Singapore còn là trung tâm tài chính, khiến khách quay lại nhiều lần để làm việc.

Trong khi đó, du lịch Việt Nam hiện chủ yếu là khám phá, nên thu hút các khách tò mò. "Vì nhu cầu khám phá nên nay họ đến điểm này, mai đến nước khác. Nếu chuyến đó khách không thỏa mãn, họ sẽ không quay lại nữa. Lượng khách khám phá Việt Nam rất đông, đó là lý do tỷ lệ khách quay lại không cao", ông Bình chỉ ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nhận định nếu làm dịch vụ và quảng cáo tốt, Việt Nam vẫn có thể thu hút khách mà không cần quan tâm đến lượng khách quay lại trong giai đoạn trước mắt, 3-5 năm tới. Bởi 15-17 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chưa phải là lớn so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam còn nhiều điểm hấp dẫn để khách tiếp tục khám phá.

Hội An là một trong những điểm đến hút khách nước ngoài ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi các điểm tham quan ở Việt Nam không còn sự mới lạ, các trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm và du lịch MICE cần phát triển để thay thế.

Trong đó, Việt Nam có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vì sở hữu nhiều bãi biển đẹp. "Nếu biến các bãi biển thành khu nghỉ hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ là nơi ngủ, chúng ta sẽ có nhiều khách quay lại", ông Bình nói.

Dịch vụ mua sắm bị coi là sản phẩm yếu nhất của du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế chỉ chi 15-18% cho mua sắm trong tổng chi tiêu. Trong khi tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, tỷ lệ này chiếm gần một nửa.

Theo ông Bình, vấn đề phát triển hàng hóa đặc thù bán cho khách du lịch phải trở thành ưu tiên trong 5 năm tới, nếu muốn tăng tỷ lệ khách quay lại, bên cạnh việc hình thành các trung tâm tài chính, thương mại, hội nghị để cạnh tranh với các nước trong khu vực.