Khám phá mộ cổ 5.000 năm tuổi, phát hiện thảm họa cổ xưa nhất
Ngôi mộ cổ của một cô gái 20 tuổi, qua đời cách đây khoảng 5.000 năm trước vừa được khai quật ở Thụy Điển, hé lộ nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt.
Theo Phys, bằng phương pháp giám định ADN, các nhà khoa học phát hiện dấu vết cổ xưa nhất của vi khuẩn bệnh dịch hạch trên thế giới.
Nhóm khảo cổ và nhà nghiên cứu thuộc Đại học Gothenburg tìm thấy hài cốt cô gái trẻ ở Falköping, Thụy Điển, ước tính niên đại cách đây 5.000 năm.
Theo các nhà khoa học, phát hiện này có thể giải thích bệnh dịch đầu tiên bùng phát từ châu Âu cho đến châu Á, qua con đường thông thương.
Cô gái này chết đúng vào giai đoạn cộng đồng đồ đá mới trên khắp châu Âu bị suy giảm số lượng một cách nghiêm trọng bởi một lý do bí ẩn.
Con đường lây lan bệnh dịch hạch (màu đỏ là nơi hài cốt mới được phát hiện).Vi khuẩn gây ra cái chết cho cô gái trẻ là một chủng cổ xưa của Yersinia pestis. Đây là vi khuẩn bệnh dịch hạch, căn bệnh từng gây những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.
“Các phát hiện trước đây chỉ ra rằng vi khuẩn Yersinia pestis có nguồn gốc từ châu Á. Nhưng dấu vết của vi khuẩn này được tìm thấy từ cách đây rất lâu ở Falköping. Đây là điều rất bất ngờ”, Karl-Göran Sjögren, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Gothenburg nói.
“Chúng tôi cho rằng bệnh dịch đầu tiên xuất phát từ nền văn hóa phương bắc ở Biển Đen, cách đó hàng trăm năm. Vi khuẩn lây lan sang cả phương Tây và phương Đông”.
Bằng cách phân tích nhiều dữ liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều chủng bệnh dịch hạch khác nhau lan truyền trên người ở khu vực Á-Âu trong giai đoạn cách đây 5.000-6.000 năm.
Kết quả là cộng đồng người châu Âu sụt giảm mạnh. “Nguyên nhân vi khuẩn bệnh dịch hạch lây lan nhanh là vì con người thời điểm đó đã khá phát triển, kết nối nhiều cộng đồng người lại với nhau trong một khu vực rộng lớn”, Karl-Göran Sjögren nói.