Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

Chu Thanh 16/12/2018 11:32

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.

Ảnh: Chu Thanh
Bà Sầm Thị Vinh, một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Chu Thanh

Dù ở độ tuổi 68 nhưng cứ đều đặn 2 tuần một lần, bà Vinh lại đứng lớp, dạy cho hơn 64 “học sinh” đủ mọi lứa tuổi trong CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Tiến cách cất lên những lời ca, điệu hát truyền thống.

Hát Suối, hát Lăm, hát Nhuôn, hát Hắp Lai… - những làn điệu dân ca của người Thái được lấy cảm hứng từ đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân và cả những câu chuyện về các anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào biết bao lần đã vang lên trong căn nhà văn hóa của bản Hoa Tiến.

“Năm 14 tuổi, tôi được chú của mình dạy cho những câu từ đầu tiên trong các làn điệu dân ca của người Thái”, bà Vinh nhớ lại. Tình yêu với các thể loại ca từ dân gian của bà Vinh lớn dần theo những năm tháng bà theo đoàn đi biểu diễn văn nghệ, cho đến khi về già truyền lại cho con cháu, người dân trong bản.

Để hát được các làn điệu dân ca của người Thái phải có năng khiếu, không phải ai cũng dễ dàng học được, bà Vinh cho hay. Ngoài việc biết tiếng Thái, người hát còn phải rèn các kỹ năng như cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ sao cho tròn vành, rõ chữ mỗi làn điệu.

“Mỗi làn điệu lại có cách hát, nhịp, quy tắc khác nhau nên nếu không yêu "nó" thì "nó" không yêu mình, không hát được đâu”, bà Vinh cười.

Bà Sầm Thị Vinh hát một điệu dân ca Thái. Clip: Chu Thanh

Ví dụ như khi hát Nhuôn, người hát phải hát với giọng trầm, ngân nhiều, phải lấy hơi, hát giọng cổ, không hát bằng giọng mũi. Trái lại với cách hát trầm như hát Nhuôn, người hát Lăm phát hát với nhịp điệu nhanh, đều, rộn ràng.

Với hát Hắp Lai, người hát lại phải biểu diễn theo lối diễn xướng kể chuyện. Do là thể loại ru con ngủ nên hát Ru (Ư ứ ừ, Pụm be) cần hát với âm điệu nhẹ nhàng, ngân nga đầy tình cảm. Khi hát ru, người hát cần luyến láy, diễn tả tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Còn riêng với hát On Ổi, lúc mới nghe qua thì cách hát hơi giống với hát Nhuôn nhưng thực chất nó phải hát cao hơn, thanh giọng hơn một chút.

Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Đó mới chỉ là một số quy tắc về cách vào nhịp các làn điệu dân ca của người Thái. Bên cạnh việc nhớ cách hát cho đúng nhịp điệu, người học còn phải nhớ một số nội dung về quy tắc hát.

Cụ thể như với hát Hắp Lai - làn điệu kể về các nhân vật anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào người Thái, người hát cần tuân thủ tuyệt đối với cốt truyện, không được thêm, bớt điều gì. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể liệt kê ra của thể loại hát Hắp lai như Khủn Chưởng, Khủn Tính, Âm phủ, Hưn Phả Bủn... Trong khi với những điệu hát còn lại, người hát có thể tự do sáng tác, thêm thắt vào những câu hát cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Theo bà Vinh, từ lâu nay, điệu hát, ca từ là thứ không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ trong các lễ đón dâu, lễ hội, làm vía… cho đến khi lao động, tiếng hát đã giúp bà con giãi bày những tình cảm chất chứa, khó thể nói lên bằng lời. Thế nhưng, cũng từng có một thời gian, nhiều người trẻ ở bản không còn mặn mà với việc học, giữ lấy những làn điệu dân ca truyền thống. Điều này khiến những người già ở bản như bà rất buồn.

May mắn là vài năm trở lại đây, nhờ các đề án bảo tồn, thành lập những CLB như CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Tiến đã giúp người trẻ dần hứng thú hơn với việc học lại những làn điệu dân ca truyền thống, từ đó góp phần gìn giữ nét văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc Thái./.

Chu Thanh