Mỹ lo bị Trung Quốc hất “cẳng” khỏi cảng Israel
Mỹ đang lộ rõ vẻ lo lắng về tình huống Trung Quốc không cho sử dụng cảng Haifa của Israel khi sau năm 2021, nó thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Thông tin này được tờ Jpost dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tại Trung Đông cho biết, họ có thể sẽ buộc phải ngừng hoạt động tại cảng Haifa. Được biết, Haifa là cảng lớn nhất của Israel và thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập Hải quân giữa Mỹ và Israel và đón tàu chiến Mỹ.
Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra từ một thỏa thuận hồi năm 2015 giữa Bộ Giao thông vận tải Israel và Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) đã phủ bóng nghi ngờ lên tương lai của quan hệ đối tác Mỹ - Israel.
Một góc cảng Haifa. |
Theo thỏa thuận giữa SIPG và nước chủ nhà sẽ cho phép Công ty của Trung Quốc kiểm soát cảng Haifa trong 25 năm, bắt đầu từ năm 2021. Để đưa thỏa thuận này vào thực tế, Công ty Trung Quốc đã trả cho phía Tel Aviv 2 tỷ USD cho dự án và được cho là có các kế hoạch để mở rộng quy mô cảng Haifa.
Đại diện của Hạm đội 6 hải quân Mỹ, chỉ huy Kyle Raines, khẳng định hiện tại mối quan hệ đối tác với Israel không hề bị ảnh hưởng. Tuy nhiên ông nói thêm rằng, không biết điều gì sẽ xảy ra với Mỹ tại Haifa sau năm 2021.
Trước khi Mỹ công khai lo ngại tương lai tại cảng biển lớn nhất Israel, Đô đốc Mỹ về hưu Gary Roughead cảnh báo một hải cảng do Trung Quốc quản lý có thể buộc hải quân Mỹ neo tàu ở nơi khác.
Với vị trí đắc địa tọa lạc không xa một căn cứ hải quân của Israel, nơi neo đậu của đội tàu ngầm nước này, và theo nhiều nguồn tin, các hoạt động vận tải biển của Trung Quốc sẽ được thực hiện gần đội tàu, vì vậy có thể gây ra rủi ro an ninh nghiêm trọng với chính Tel Aviv.
Tuy nhiên lo lắng của Mỹ không chỉ có ở Haifa bởi theo tờ Haaretz của Israel, một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng một cảng khác ở thành phố Ashdod, phía Nam nước này.
Nói về những thỏa thuận giữa Israel và một số công ty của Trung Quốc, ông Shaul Chorev, cựu đô đốc Hải quân Israel, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Haifa lo ngại rằng, Trung Quốc hiện diện ở những địa điểm chiến lược trên Địa Trung Hải có thể "làm giới hạn hoặc ngăn cản" việc hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ, vốn đang có vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại ở cảng chiến lược Haifa có thể sẽ mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã mua lại quyền phát triển và vận hành một loạt các hải cảng, trải dài từ miền Nam châu Á đến Trung Đông, châu Phi, châu Âu, và thậm chí cả Nam Mỹ. Đặc biệt, giờ đây, dưới khuôn khổ chiến lược Con đường tơ lụa trên biển, một phần trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường, những thương vụ này đang ngày càng có thêm nhiều ý nghĩa. Nhìn chung, các công ty nhà nước của Trung Quốc vẫn nắm vai trò chủ đạo trong chiến lược đầu tư vào hệ thống cảng biển trên thế giới.