Chuyện những lá đơn đặc biệt ở Con Cuông

Công Kiên - Bá Hậu 21/12/2018 14:29

(Baonghean.vn) - Xóa đói, giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, nghĩa là có ý thức rũ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Những năm gần đây, vào mỗi dịp bình xét hộ nghèo, ở huyện miền núi Con Cuông lại xuất hiện những lá đơn đặc biệt - đơn xin thoát nghèo.

Từ 19 lá đơn ở bản Xiềng…

Cuối năm, bà con vùng Môn Sơn - Mường Quạ đang chuẩn bị cho việc sản xuất, gieo cấy theo lịch mùa vụ, đi đâu cũng nghe đến câu chuyện làm đơn thoát nghèo. Người tiên phong là bà La Thị Tín ở bản Xiềng, gia đình bà từng thuộc diện khó khăn nhất bản, hơn 10 năm liên tục được Ban quản lý (BQL) và bà con dân bản bình xét hộ nghèo để được hưởng những ưu đãi của Nhà nước.

Nhờ chăm chỉ và có kế hoạch làm ăn, hiện tại cuộc sống gia đình đã tạm ổn nên tại cuộc họp bản, bà Tín quyết định xin rút khỏi diện hộ nghèo. Việc làm của bà La Thị Tín đã tạo hiệu ứng tích cực đối với người dân bản Xiềng, lập tức có mấy người đứng lên hưởng ứng, trong đó có chị Hà Thị Nhàn.

Một góc xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên
Một góc xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

Tìm đến nhà, chị Nhàn đưa chúng tôi xem lá đơn với những dòng chữ nguệch ngoạc, lời văn còn lủng củng nhưng toát lên sự quyết tâm: “Thời gian qua gia đình chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế. Do vậy, thôn bản cũng đã xét cho gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo từ năm 2010 đến 2018. Gia đình chúng tôi cũng đã được hưởng nhiều chế độ về chính sách ưu đãi của cấp trên… Và gia đình chúng tôi cũng làm thêm có mức thu nhập tạm ổn. Cuối năm 2018, sau khi bình xét hộ nghèo, gia đình chúng tôi đã tình nguyện xung phong thoát nghèo”.

Chị Nhàn cho biết thêm, do điều kiện sức khỏe của vợ chồng chị không được tốt nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, suốt 8 năm qua luôn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2018 gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, không còn phải sống trong căn nhà cũ rách nát, vợ chồng tăng cường chăn nuôi lợn, gà và trồng rau màu để có thêm thu nhập nên cuộc sống đã đỡ vất vả.

Đơn xin thoát nghèo của chị Hà Thị Nhàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Bá Hậu
Đơn xin thoát nghèo của chị Hà Thị Nhàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Bá Hậu

Vì thế, khi BQL bản tổ chức bình xét hộ nghèo năm 2019, chị Nhàn bàn với chồng xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường lại sự hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn. Ban đầu chồng chị còn đắn đo, nhưng cuối cùng chị đã thuyết phục và đi đến thống nhất viết đơn xin thoát nghèo.

Cũng ở bản Xiềng, gia đình ông Vi Văn Thuyền hơn 10 năm qua thuộc diện hộ nghèo, một phần vì hay đau ốm, phần khác vì đông con khiến cuộc sống luôn rơi vào cảnh túng quẫn. Được bình xét thuộc diện hộ nghèo, gia đình được hỗ trợ lương thực vào những dịp thiếu đói và dịp đón Tết Nguyên đán, lại được ưu tiên trong khám, chữa bệnh.

Điều ấy đã giúp vợ chồng ông Thuyền vượt qua được những thời điểm đầy cam go, bây giờ các con đã lớn và chăm chỉ làm ăn, cuộc sống không còn khó khăn như trước. Thấy bà Tín và chị Nhàn làm đơn, ông Thuyền cũng quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ông chia sẻ: “Thực ra, mỗi lúc nhận trợ cấp tôi đều cảm thấy xấu hổ nên khi kinh tế từng bước ổn định, tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để tiếp tục phấn đấu vươn lên”.

Bà La Thị Tín – người đầu tiên ở bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) viết Đơn xin thoát nghèo. Ảnh: Công Kiên
Bà La Thị Tín - người đầu tiên ở bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) viết đơn xin thoát nghèo. Ảnh: Công Kiên

Từ bà Tín, chị Nhàn và ông Thuyền, tiếp đến có thêm 16 hộ ở bản Xiềng làm đơn, đưa số hộ xin thoát nghèo lên con số 19 và đưa tổng số hộ trên toàn xã lên con số gần 30. Ông Vi Văn Nam - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết: “Đời sống kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn nhưng người dân nơi đây phần lớn đã có ý thức vươn lên thoát nghèo. Cách đây 5 năm, bà La Thị Nguyệt ở bản Cửa Rào là người đầu tiên làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, từ đó đến nay ở các bản hàng năm đều có hộ viết đơn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống đáng kể”.

… đến những tín hiệu vui

Từ Môn Sơn, chúng tôi tìm đến Thạch Ngàn - một trong những xã khó khăn nhất ở Con Cuông và tiếp tục được nghe câu chuyện về những lá đơn xin thoát nghèo. Ở bản Khe Đóng có anh Vi Đình Tiến (SN 1990), mới lập gia đình và tách hộ, con còn nhỏ nên cuộc sống khá chật vật, khó khăn. Mấy năm trước, gia đình anh Tiến được BQL bản xét thuộc diện hộ nghèo, đến năm nay anh quyết định làm đơn thoát nghèo.

Chị Hà Thị Nhàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) tích cực tăng gia để có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh:Bá Hậu
Chị Hà Thị Nhàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) tích cực tăng gia để có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Bá Hậu

“Cái lý” của người thanh niên dân tộc Thái Vi Đình Tiến đưa ra là: “Vợ chồng mình còn trẻ, khỏe, nếu tiếp tục nhận hộ nghèo thì xấu hổ lắm, phải xin thoát nghèo để cố gắng làm ăn”. Tương tự, cũng ở bản Khe Đóng, anh Lê Cúc (SN 1993) cũng làm đơn xin thoát nghèo, lý do đưa ra cũng là do vợ chồng còn trẻ, còn có nhiều thời gian để phấn đấu nên nhường sự ưu đãi của Nhà nước cho những hộ có người già cả, neo đơn và đau yếu.

Không chỉ Môn Sơn và Thạch Ngàn, mà ở các xã Lục Dạ, Bồng Khê và Mậu Đức cũng có nhiều hộ làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tính riêng trong năm 2018, toàn huyện Con Cuông có 61 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Tính từ năm 2016 đến nay, có 383 hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm từ 4 - 5% tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) luôn có ý thức vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Bá Hậu
Người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) luôn có ý thức vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Bá Hậu

Bà Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Những năm gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chứng tỏ bà con bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại đang dần được xóa bỏ”.

Công Kiên - Bá Hậu