Ngày vui trên đất “vàng vui”

Hoài Thu 27/12/2018 17:18

(Baonghean.vn) - Cái tên Cắm Muộn nghĩa là “vàng vui”. Cắm Muộn (Quế Phong) hôm nay không còn cảnh nhộn nhạo, đất đá nham nhở bởi nạn “vàng tặc” vốn làm điên đảo cuộc sống người dân nơi đây. Thay vào đó là cuộc sống yên bình, từng bước vươn lên chinh phục cái đói, cái nghèo nơi mảnh đất đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Cứ chăm chỉ thì đất không phụ người

Trước đây, nhắc đến Cắm Muộn (Quế Phong) thì ấn tượng hãi hùng vẫn là những hệ lụy từ khai thác vàng trái phép. Những năm 2000, đã có lúc Cắm Muộn trở nên tan tác, đất đai bị đào xới, an ninh trật tự bị đảo lộn. Song giờ đây, đến Cắm Muộn nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi thay, yên bình của mảnh đất này. Dọc theo con sông Quàng những ngày đầu đông, những nếp nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trên vùng đất “vàng vui” Cắm Muộn nằm san sát nhau yên bình. Bên bờ sông, cạnh dòng nước hiền hòa chảy trôi là những cọn nước thanh bình đều đều nhịp quay. Các bà các mẹ tay cầm vợt, tay xách giỏ kiếm con cá, con tôm, người tranh thủ giặt giũ. Ngôi nhà sàn rộng rãi của ông Vi Thanh Lương nằm cách không xa bờ sông, bên vách nứa của ngôi nhà treo đầy những chiếc lưới bắt cá. Trước cửa treo chiếc trống nho nhỏ. Ông cho hay, “Tiếng trống từ lâu đã trở nên thân quen đối với bà con dân bản mỗi lần cần mời bà con dự họp, họp thôn bản, nhất là họp bàn về phát triển kinh tế”. Ông Vi Thanh Lương luôn là người khuyến khích, ủng hộ người dân phát triển kinh kế ngay trên mảnh đất quê nhà. Bản thân ông cùng vợ con cũng chăm chỉ với gia trại hơn 4 ha keo, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn và ao thả cá. “Vừa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa để hiểu thêm và chia sẻ, giúp đỡ cho bà con về các ngành nghề mà hầu hết người dân bản Mòng 2 tham gia” - vị bí thư chi bộ cho biết.

Người đàn ông tóc đã hoa râm, dáng người dong dỏng cao và có nụ cười hiền từ ấy đã có thâm niên 20 năm tham gia công tác ở địa phương. Từ năm 1998 ông là Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, rồi sau khi về hưu thì đảm nhận vai trò làm Bí thư chi bộ bản Mòng 2 đã hơn 10 năm. Cùng với hộ gia đình Bí thư chi bộ bản Vi Thanh Lương, cả bản Mòng 2 có 10 hộ có trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, áo cá. Với 105 hộ, hơn 500 nhân khẩu, Bản Mòng 2 có địa hình trải dài dọc theo con sông Quàng và chia cắt khá phức tạp. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại. Bên con sông chảy ngang qua bản làng, những thửa ruộng lúa nước những ngày cuối tháng 11 đã chỉ còn trơ gốc rạ, bầy trâu vừa đằm mình trong lòng sông mùa nước cạn lại thong thả bước lên bờ gặm cỏ. Chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn của bản Mòng 2 cũng như của xã Cắm Muộn. Cách nay vài năm thì chỉ có vài hộ lập gia trại căn nuôi, nhưng sau khi thấy có gia đình đã khấm khá từ ngành kinh tế này, cùng với sự vận động của chi bộ, chính quyền, dần dà đã có nhiều hộ làm theo. Cũng từ đó, đời sống dân bản đã bớt đói nghèo, vất vả. Có nhiều hộ đã dần vươn lên khá giả như các hộ ông Lang Văn Toàn, Lữ Văn Sơn, Vi Văn Thân…

Ngược con đường chính dọc theo bản Mòng, chúng tôi thăm trang trại tổng hợp của chàng thanh niên Lang Văn Khún, Bí thư chi đoàn bản Mòng 2. Chăm chỉ, tháo vát và mạnh dạn trong đầu tư làm ăn phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, Lang Văn Khún đang dần khẳng định vai trò thủ lĩnh thanh niên của vùng đất vàng vui. Dáng người tầm thước, rắn rỏi và nụ cười hiền hậu, Lang Văn Khún khiêm tốn chia sẻ những dự định tương lai với mong ước phát triển mạnh hơn nữa trang trại của mình. Trang trại của Khún có thời điểm nuôi hơn 500 con vịt bầu Quế Phong, đàn lợn hơn 20 con, đàn dê 10 con. Hiện Lang Văn Khún đang mở hướng vừa nuôi vịt thịt vừa bán vịt giống. Lấy ngắn nuôi dài, hiện Khún đã sắm được máy cày, máy xay xát, máy ấp và bảo quản trứng, và cả máy phát điện. Lang Văn Khún còn ấp ủ sẽ đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa phục vụ trang trại. “Điện năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, ngoài ra còn là hướng sản xuất sạch, thân thiện môi trường” - Lang Văn Khún cho hay.

Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lữ Thanh Bình cho hay, đối với Cắm Muộn, những cá nhân chăm chỉ như ông Vi Thanh Lương, chàng thanh niên Lang Văn Khún đang ngày càng xuất hiện nhiều, tạo nên những chuyển biến tích cực trên mảnh đất Cắm Muộn. Chăn nuôi tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Cắm Muộn đạt gần 36 nghìn con. Các mô hình phát triển kinh tế hiện đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở địa bàn xã. Ông Lữ Thanh Bình khẳng định, từ những mô hình này, người dân Cắm Muộn đã dần thay đổi nhận thức, không còn nếp nghĩ phụ thuộc vào thiên nhiên, việc mơ ước tìm vàng làm giàu hiện hầu như không còn tồn tại. Nhân dân Cắm Muộn đã tích cực khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng với hơn 730 ha với một số loại giống cây lâm nghiệp có chất lượng như lát, keo, xoan và một số loại cây khác.

Bảo tồn bản sắc văn hóa

Đến với Cắm Muộn, hình ảnh gây ấn tượng nhiều nhất với chúng tôi vẫn là cảnh những bà những mẹ cần mẫn, chăm chú với từng đường kim mũi chỉ, với xa kéo sợi tơ và khung cửi bên hiên nhà. Chị Lương Thị Hoa - Chủ tịch Chi hội Phụ nữ xã cho hay, đây là hình ảnh quen thuộc của phụ nữ Cắm Muộn. Trồng dâu nuôi tằm đã thành truyền thống bao đời. Giờ đây truyền thống đó không chỉ được giữ gìn, mà tiếp tục truyền đời, những em gái lứa tuổi tiểu học đã biết đến đường kim mũi chỉ, đã làm quen với nương dâu, con tằm và khung cửi, làm nên những tấm áo tấm khăn thổ cẩm bắt mắt.

Đến bản Bố, một bản có 88 hộ 465 nhân khẩu, chúng tôi gặp cụ bà Lữ Thị Long đã hơn 80 tuổi ngồi quay xa xe sợi tơ trước hiên nhà. Mái tóc bạc trắng như cước, nụ cười tươi rói khoe hàm răng đen nhánh, cụ cho hay “Lớn lên biết lên cái rẫy là đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải rồi. Không nhớ bao lâu nữa”.

Hiện nay, xã Cắm Muộn đã có làng nghề dệt thổ cẩm được công nhận năm 2015. Làng nghề được hình thành từ những tổ dệt của các thôn bản. Hiện có hơn 30 hộ tham gia các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm đến dệt vải. Cứ 3 tháng 1 lần các tổ trưởng tổ dệt sẽ thu gom sản phẩm của chị em để liên kết tiêu thụ. Cũng vào dịp họp tổ, chị em lại tranh thủ trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các mẫu mã mới với sản phẩm chủ yếu là khăn piêu, thắt lưng, váy và chăn thổ cẩm. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng của chị em trong vùng, những sản phẩm thổ cẩm của làng nghề ở Cắm Muộn còn được xuất khẩu sang Thái Lan và Lào với những đơn hàng giá trị cao. Chị Lang Thị Đức ở bản Mòng 2 cho hay, chị em tranh thủ nông nhàn thì cũng kiếm được hơn 2 triệu đồng/tháng từ dệt thổ cẩm. Còn người chuyên làm thì cũng kiếm được thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. “Vui lắm, phụ nữ chúng tôi nay không chỉ quanh quẩn nơi đồng ruộng mà đã có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình từ chính nghề truyền thống của dân tộc” - chị Lang Thị Quản ở tổ dệt bản Mòng 2 chia sẻ.

Không những chăm chỉ với nghề dệt thổ cẩm, phụ nữ Thái ở Cắm Muộn còn là những người đóng vai trò tích cực trong bảo tồn các điệu dân ca dân vũ của dân tộc mình. Năm 2018 Cắm Muộn cho ra đời Câu lạc bộ "Hát ru, hát xuối nhuôn" tại Bản Mòng với 32 thành viên. Chị em say sưa luyện tập, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc tại địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động của câu lạc bộ cũng là một trong những “kênh” hiệu quả tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã...

Khoác thủ tấm khăn piêu của người phụ nữ Thái, trong chiếc váy truyền thống được thêu tinh tế, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với chất liệu tơ tằm tự nhiên dệt thêu nên những sản phẩm đặc sắc. Chị Vi Thị Thân, tổ trưởng tổ dệt bản Mòng 2 cho hay, chị em bản Mòng 2 cũng như phụ nữ Cắm Muộn ngày nay đã tìm được hướng phát triển kinh tế, xây đắp hạnh phúc gia đình từ gìn giữ văn hóa truyền thống. Cuộc sống yên bình đã trở lại, không như những năm 2000 trước đây. Những năm đó, nạn khai thác vàng đã như cơn lốc kéo theo không chỉ đàn ông, mà cả phụ nữ, trẻ em “vào cuộc”, đánh đổi sự bình yên hạnh phúc theo những may rủi. Giờ chính quyền địa phương các cấp đã dẹp bỏ được nạn “vàng tặc”. “Cái tên Cắm Muộn giờ đã thực sự là vùng đất “vàng vui” với những đổi thay tươi vui trên nét mặt mỗi người dân chúng tôi” – chị Vi Thị Thân vui mừng chia sẻ.

Hoài Thu