Ngăn chặn tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “báo hóa” các tạp chí điện tử
Trong năm 2018, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được xử lý quyết liệt bằng nhiều biện pháp; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, "báo hóa" các tạp chí điện tử.
Quảng cảnh hội nghị. Ảnh T.B |
Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự, chủ trì hội nghị cùng gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí toàn quốc và các bộ, ngành.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm 2019 do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị cho biết, tính đến tháng 11-2018, cả nước có khoảng 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo; số lượng Hội viên Hội Nhà báo là 23.893. Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Hiện có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình; tại thời điểm hiện tại có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền...
Trong năm 2018, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo in và báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng. Năm 2018, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các cơ quan báo chí này.
Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Ảnh minh họa |
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong năm 2018, hoạt động báo chí vẫn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế như: Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân; bị một số báo nước ngoài, một số trang mạng xã hội thiếu thiện chí lợi dụng để xuyên tạc, kích động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thông tin thiên về khai thác mặt trái xã hội; thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn và phản giáo dục, giật tít mang tính "giật gân", "câu khách"... vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thông tin chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, trong nhiều trường hợp còn thụ động, chưa sắc sảo; việc khai thác thông tin từ ý kiến của cá nhân trên mạng xã hội không kiểm chứng vẫn tiếp diễn.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại hiện tượng một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích chưa được khắc phục. Tình hình khiếu nại về nội dung thông tin trên báo chí có chiều hướng gia tăng.
Thách thức lớn nhất đối với hoạt động báo chí hiện nay là có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt", mất vị trí độc quyền, qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả cũng như sử dụng tài khoản của các thành viên để đăng tải các thông tin, bài viết vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên mạng.
Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến bị dẫn dắt, lôi kéo theo các thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.
Thời gian qua, rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chất lượng thông tin đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những mạng xã hội lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên nhân khách quan của những hạn chế, khuyết điểm gồm: Công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp, nhất là với những tình huống, sự kiện quan trọng, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin cũng như cơ quan báo chí. Một số cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách. Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, thiếu sự phối hợp hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng, tạo thành vấn đề "nóng" trên báo chí, thậm chí gây "khủng hoảng" truyền thông.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục âm mưu, đẩy mạnh các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam bằng nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc. Trang thiết bị, công nghệ của khá nhiều cơ quan báo chí, nhất là khối địa phương, còn thiếu; các cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý hợp đồng quảng cáo, sử dụng phần mềm quảng cáo của các công ty quảng cáo xuyên biên giới, do vậy, không kiểm soát được nội dung quảng cáo, để lọt nhiều thông tin quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, khuyết điểm gồm: Ý thức chấp hành kỷ luật về thông tin của một số cơ quan báo chí không nghiêm. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, không thực hiện đúng quy trình làm báo. Nguồn kinh phí được cấp chi cho hoạt động thường xuyên tăng chưa tương xứng; nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo, tạp chí của các hội không được cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, bị khoán thu, khoán hợp đồng quảng cáo. Nhận thức về kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí hiện mới chỉ dừng ở việc tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo, từ hợp đồng truyền thông, chưa tính tới giải pháp căn cơ. Một số cơ quan báo chí quản lý văn phòng đại diện, sử dụng, tuyển dụng phóng viên thường trú và cộng tác viên dễ dãi, lỏng lẻo, gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương.
Trong năm 2018, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được xử lý quyết liệt bằng nhiều biện pháp; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, "báo hóa" các tạp chí điện tử.
Nhiều cơ quan báo, tạp chí vi phạm đã bị đình bản có thời hạn, một số nhà báo vi phạm đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đã góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Năm 2018, Thanh tra Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành quy định về báo chí 11 cơ quan báo chí, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt là 638.100.000 đồng. Đồng thời trong năm 2018, Bộ TT-TT đã ban hành các quyết định thu hồi Thẻ Nhà báo đối với 4 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật.