Những việc cần làm để tránh bị lừa đảo qua mạng xã hội
(Baonghean.vn) - Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo cần thiết đến người dân để tránh sa vào "bẫy lừa" của các đối tượng xấu.
Phương thức, thủ đoạn lừa đảo và dấu hiệu nhận biết
Qua xác minh, chủ mưu của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội hầu hết là người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Việt Nam hoặc định cư tại một số nước Đông Nam Á. Từ đó, cấu kết với người Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ ngụ ở Tp Hồ Chí Minh để tạo thành nhóm hoạt động. Theo điều tra, hiện đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao đang hoạt động ráo riết trên địa bàn trong, ngoài tỉnh.
Để “giăng bẫy” thành công, kẻ chủ mưu thường đăng ký tài khoản lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype… sau đó đưa các hình ảnh đóng giả là thương gia giàu có đang sinh sống tại Anh, Mỹ hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria. Từ đó làm quen, kết bạn, hứa kết hôn hoặc bảo lãnh đi nước ngoài để tạo dựng tình cảm. Sau đó ngỏ ý gửi tặng nạn nhân các thùng quà có giá trị lớn trong đó có nhiều tiền, vàng để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý tặng quà, vay mượn để đầu tư kinh doanh…
Tiếp theo, một người phụ nữ trong nhóm tội phạm sẽ đóng giả là nhân viên giao hàng, hải quan, thuế vụ… thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị. Từ đó yêu cầu nạn nhân phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng qua số tài khoản ngân hàng chúng cung cấp.
Các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao bị bắt giữ vào 3/1/2018 gồm: Sylvester Zazy Nlemonwu (35 tuổi, trú tại căn hộ A18-12, chung cư 12 View Tín Phong, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh; quốc tịch: Nigeria), Đinh Thị Thu Thủy (26 tuổi; trú tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và Lê Thị Mai Trâm (24 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: tư liệu. |
Ngoài ra còn nhiều nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao còn dùng các thủ đoạn tinh vi để lừa bán số lô - đề có khả năng trúng thưởng cao, đóng giả công an để uy hiếp tinh thần người dân sau đó đòi chuyển tiền để… chạy án hoặc hack mật khẩu các trang cá nhân trên mạng xã hội để lừa đảo người thân của nạn nhân nạp thẻ điện thoại, chuyển tiền…
Để bị hại tin tưởng, ổ nhóm tội phạm thường làm giả các công văn, giấy tờ, thậm chí là lệnh bắt người của cơ quan công an hoặc các hóa đơn chứng từ chuyển hàng quốc tế. Vì vậy người dân cần cảnh giác trước những thông tin nhận được.
Các biện pháp phòng tránh
Theo điều tra của cơ quan chức năng, để mở được nhiều thẻ ngân hàng, các đối tượng xấu thường đến các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ mua lại các chứng minh thư nhân dân bị khách bỏ quên, sau đó dùng hình ảnh của mình dán vào để đến các ngân hàng đăng ký mở tài khoản. Các tài khoản mở bằng chứng minh thư giả này được sử dụng để các nạn nhân gửi tiền vào.
Trong một số hoàn cảnh, đối tượng xấu thường giả vờ rằng mình bị mất chứng minh thư và nhờ một số người dân lập tài khoản ngân hàng hộ mình rồi chi trả một khoản tiền từ 1 đến 2 triệu đồng trả công cho người mở tài khoản. Sau đó sử dụng các tài khoản này để phạm tội.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Đặc biệt, không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ đối tượng nào.
Cùng với đó, việc đặt mật khẩu Facebook cần tránh sử dụng các thông tin cá nhân như ngày sinh nhật, họ tên… bởi các tội phạm thường nghiên cứu rất kỹ những thông tin trên của người dùng và hack mật khẩu. Hoặc sử dụng các hình ảnh của người dùng để lập một tài khoản tương tự.
Vậy nên người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân và hình ảnh của mình trên mạng xã hội. Người sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo.
Khi nhận được các cuộc gọi lạ có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải giữ vững bình tĩnh, không làm theo yêu cầu chuyển tiền hoặc các dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại.
Trang facebook của phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Nghệ An. |
Hiện tại, để tuyên truyền thêm các kiến thức về pháp luật, phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Nghệ An đã có trang Facebook riêng với nhiều thông tin bổ ích giúp người dân nâng cao kiến thức về luật pháp của mình. Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan thì người dân có thể liên hệ qua trang Facebook trên hoặc thông báo trực tiếp, kịp thời cho đơn vị Công an gần nhất.