Nghệ An: Trời rét, gia tăng đột quỵ ở người già và hô hấp ở trẻ nhỏ

Thanh Hoa - Thanh Sơn 02/01/2019 18:25

(Baonghean.vn) - Rét đậm kéo dài trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Tại Nghệ An, số người đến các bệnh viện khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp, bệnh đột quỵ gia tăng đột biến.

Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Từ ngày 1/12/2018 đến ngày 02/01/2019 có 29.733 bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Trong đó trẻ dưới 6 tuổi là 22.747 chiếm gần 90%. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng, cảm cúm do vi rút, sởi…

Sáng 02/1/2019, trời rét đậm. Rất đông phụ huynh đưa trẻ tới khám ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thanh Hoa
Sáng 02/1/2019, trời rét đậm. Rất đông phụ huynh đưa trẻ tới khám ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thanh Hoa

Chị Đào Thị Sen ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, đưa con là cháu Cao Đình Phát, 18 tháng tuổi, đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi, cho biết: Mấy ngày nay cháu ăn kém, kèm theo sổ mũi, sốt cao và ho từng cơn. Ở nhà tôi đã cho uống hạ sốt nhưng không đỡ nên đưa cháu vào Bệnh viện Sản Nhi để khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi.

Rét đậm rét hại kéo dài khiến nhiều trẻ bị viêm phổi. Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản nhi quá tải. Ảnh: Thanh Hoa
Rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhiều trẻ bị viêm phổi. Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi quá tải. Ảnh: Thanh Hoa

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Anh Sơn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi cho hay: Trời rét đậm, số lượng trẻ phải nhập viện điều trị đang ngày một gia tăng. Trước diễn biến thời tiết này, người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ như mặc đủ ấm, không nên cho trẻ ra ngoài đường, đặc biệt là phải giữ ấm cho trẻ trong nhà.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo: Nếu như trường hợp bắt buộc phải ra ngoài đường thì nên giữ ấm, nhất là vùng cổ, mặt, tay và chân cho trẻ. Bên cạnh đó, cần cho trẻ nhỏ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là hoa quả, hạn chế uống nước lạnh, phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Tương tự như Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũng gia tăng. Tại Trung tâm đột quỵ não của bệnh viện, từ ngày 1/12/2018 đến 02/01/2019 có 304 bệnh nhân bị bệnh đột quỵ. So với những ngày thường, các ca bệnh tăng cao từ 15% đến 27%.

Ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, bệnh nhân đột quỵ nhập viện rất nhiều. Trung tâm đột quỵ quá tải nên nhiều bệnh nhân phải nằm trên cáng để điều trị. Ảnh: Thanh Hoa
Ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, bệnh nhân đột quỵ nhập viện rất nhiều. Trung tâm đột quỵ quá tải nên nhiều bệnh nhân phải nằm trên cáng để điều trị. Ảnh: Thanh Hoa

Rét đậm rét hại đang khiến nhiều người tiền sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn. Chị Nguyễn Thị Hoài, 30 tuổi, ở Thị trấn Quỳ Hợp đang chăm sóc bố tại Bệnh viện cho hay: "Bố tôi trước đây rất khỏe, không có triệu chứng bệnh gì. Cách đây 2 hôm, bố dậy đi tập thể dục sáng mai về thấy đau đầu, không nói, ý thức kém, tê tay phải và chân phải. Gia đình đưa bố đến bệnh viện khám thì kết luận bố bị chảy máu não".

Rét lạnh kéo dài khiên sức khỏe của nhiều bệnh nhân chuyển biến xấu. Ảnh: Thanh Hoa
Rét lạnh kéo dài khiến sức khỏe của nhiều bệnh nhân chuyển biến xấu. Ảnh: Thanh Hoa

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, phụ trách Trung tâm Đột quỵ cho biết: Khi thời tiết lạnh, các mạch máu bị co lại, sẽ đẩy huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ, vì vậy ở người già, cần nhận biết dấu hiệu sớm của các bệnh để tránh tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Cụ thể, cần đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có các biểu hiện về đường hô hấp như: Ho, khó thở, tức ngực... nhất là khi phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ như: Lú lẫn, tay chớm tê, yếu thì cần theo dõi thường xuyên huyết áp của người già, vì tăng huyết áp thường không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm./.

85% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa nếu tuân thủ đúng những khuyến cáo như:

Giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16 đến 18 độ C; thường xuyên uống một ly nước nóng trước khi ngủ và dùng các thực phẩm và đồ uống nóng có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể.

Mặc nhiều áo mỏng có thể giúp giữ ấm cho cơ thể hơn là mặc một chiếc áo dày, sắm một chiếc mũ len và một cái khăn quàng để giữ ấm cho đầu và cổ, hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi. Không nên ra ngoài sáng sớm để tập thể dục.

Những người bị các chứng bệnh tim cũng nên phòng ngừa các chủng virus cúm. Kiểm soát huyết áp, cần phải thực hiện chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm căng thẳng và uống thuốc điều trị liên tục. Kiểm soát đường huyết bởi nguy cơ bị đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp 3 lần so với người bình thường. Kiểm soát cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol). Sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Giảm uống rượu bia đến mức tối đa, bỏ hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Giảm cân: trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Tăng hoạt động thể lực sẽ cải thiện tình trạng tim mạch và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì, tăng huyết áp... Nên tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày (trừ trường hợp có bệnh nặng hoặc hạn chế cử động). Tránh căng thẳng trong cuộc sống và thay đổi chế độ ăn nhạt để tốt cho tim mạch và huyết áp, góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ. Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi hàng ngày, không sử dụng mỡ động vật để chế biến thức ăn (không dùng mỡ heo để chiên, không ăn thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành.../.

Thanh Hoa - Thanh Sơn