“Donald Trump vùng nhiệt đới”: Khác biệt và khó lường

Lâm Vy 03/01/2019 16:40

(Baonghean.vn) - Jair Bolsonaro, người được mệnh danh là “Donald Trump vùng nhiệt đới” đã chính thức nhậm chức Tổng thống Brazil, nhiệm kỳ 4 năm. Ông được mô tả là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy cứng rắn và ủng hộ chế độ độc tài quân sự trước đây ở Brazil.

Tân tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Brasilia hôm 1/1/2019. Ảnh: Reuters.
Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Brasilia hôm 1/1/2019. Ảnh: Reuters.

Giấc mơ vào quân đội

Nhấm nháp cốc bia trong một bữa ăn trưa ở Eldorado, một thị trấn buồn ở bang Sao Paulo, João Carmo da Silva – một người bạn của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhớ lại một sự việc gần 50 năm trước.

Năm 1970, Carlos Lamarca, một du kích cánh tả nổi tiếng, thủ lĩnh của lực lượng kháng chiến chống lại chế độ độc tài tại Brazil khi đó bắn vào cảnh sát tại một trạm xăng trong khi chạy trốn khỏi một cuộc săn lùng của quân đội. Chiến dịch truy lùng quân du kích của chính quyền quân sự sau đó diễn ra hết sức ác liệt khiến một số người bị thương.

Ông Da Silva và người bạn của mình Bolsonaro khi ấy 15 tuổi chính là những cậu bé đã chứng kiến cuộc ẩu đả đó. Tuy nhiên, theo ông Silva, thay vì nấp nhìn vụ xả súng, Bolsonaro đã chạy đi báo với nhà trường nơi ông theo học về vụ việc. Rồi, những người lính của quân đội đã tràn vào thôn xóm truy quét lực lượng cánh tả. Hình ảnh ấy đã truyền cảm hứng cho Bolsonaro với giấc mơ được đứng trong hàng ngũ của những người lính. Và cũng kể từ đó Bolsonaro nuôi sự thù ghét đối với cánh tả.

Theo những người bạn của Bolsonaro, ông kiên quyết nói rằng sẽ rời khỏi Eldorado để gia nhập quân đội. Thời đó, các Tổng thống Brazil đều là các quân nhân, trong khi Bolsonaro dường như cũng ấp ủ ước mơ trở thành Tổng thống".

Cuối cùng thì cậu học sinh từ thị trấn nhỏ Eldorado đã đạt được cả hai mục đích của mình: Năm 1977 tốt nghiệp Học viện quân sự Agulhas Negras, phục vụ trong các lực lượng pháo binh và đổ bộ; cuối cùng giành được chiếc ghế Tổng thống Brazil vào năm 2018.

Cứng rắn và thích “gây sốc”

Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2018, Jair Bolsonaro đã đưa ra khẩu hiệu “Brazil trên hết, Đức Chúa trên hết”, khiến dư luận liên tưởng ngay đến quan điểm chính trị của nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump với “Nước Mỹ trên hết”. Cũng kể từ đó, cái tên Bolsonaro được giới truyền thông và học giả quốc tế đặc biệt quan tâm. Dù không xuất thân từ một tỷ phú giống ông Donald Trump song chính trị gia người Brazil có phong cách, quan điểm được ví như “bản sao” vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bản thân ông Bolsonaro cũng thừa nhận ông ngưỡng mộ nhà lãnh đạo Mỹ.

 Những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2018. Ảnh AP
Những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2018. Ảnh: AP

Ông Bolsonaro luôn tự nhận mình là người ngoại đạo về chính trị mặc dù ông bước chân vào con đường này từ năm 1988 khi được bầu vào Hội đồng thành phố Rio de Janeiro. Năm 1990, ông trở thành nghị sĩ Quốc hội Brazil. Năm 2014, ông là nghị sĩ nhận được nhiều phiếu bầu nhất tại Rio de Janeiro.

Trong suốt 3 thập niên hoạt động trên chính trường, ông Bolsonaro đã tự xây dựng hình ảnh “một người ngoài cuộc” sẵn sàng đối đầu với tầng lớp chính trị gia được cho là dính líu nhiều tới tham nhũng có hệ thống. Ông cũng xây dựng hình ảnh của một nhà chính trị cứng rắn, không khoan nhượng và luôn quyết đoán, đặc biệt theo đuổi quan điểm chính trị cực hữu và chủ nghĩa dân túy.

Những cam kết cứng rắn kèm theo những tuyên bố “gây sốc” đã giúp ông Bolsonaro trở thành ứng cử viên đột phá trong cuộc bầu cử năm 2018. Cũng giống như nhà lãnh đạo Mỹ, ông Bolsonaro rất yêu thích mạng xã hội và lấy đó làm công cụ truyền tải thông điệp chính trị của mình.

Chiến thuật của ông là “đánh thẳng” vào những vấn đề đang gây nhức nhối nhất trong xã hội Brazil gồm nạn tham nhũng, tội phạm bạo lực và suy thoái kinh tế. Ngay từ khi quyết định tham gia tranh cử, ông Bolsonaro đã thể hiện quan điểm khác biệt so các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, cam kết về một “bàn tay sắt” để xử lý vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Chính những cam kết mạnh mẽ này đã đưa đến chiến thắng cho ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2018.

Được xem như “làn gió mới” trên chính trường Brazil nhưng nhiều quan điểm chính trị của ông Bolsonaro cũng gây tranh cãi và nhận nhiều chỉ trích, chẳng hạn như những phát ngôn “đụng chạm” đến phụ nữ, người nhập cư, quan điểm ủng hộ tự do sở hữu súng đạn và đặc biệt ông phản đối cộng đồng đồng tính... Trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy năm 2011, ông đã từng nói thà ông có con trai bị chết trong một tai nạn hơn đó là người đồng tính. Ông cũng từng gọi người nhập cư là những “kẻ cặn bã” của trái đất. Năm 2016, Bolsonaro ca tụng một kẻ đã từng tra tấn nhiều người dưới thời chế độc độc tài quân sự (1964 -1985), làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trên nghị trường lẫn ngoài xã hội.

Làm nên khác biệt

Chiến thắng của Bolsonaro đã làm bùng nổ nền chính trị Brazil - và sự lên ngôi của nhân vật phân cực có thể đưa đất nước Mỹ Latinh vào một con đường mới, không thể đoán trước.

Nhiều nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ và nhân quyền thậm chí lo ngại tân Tổng thống Bolsonaro sẽ phá hỏng những giá trị dân chủ của Brazil… Ảnh: Getty
Nhiều nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ và nhân quyền thậm chí lo ngại tân Tổng thống Bolsonaro sẽ phá hỏng những giá trị dân chủ của Brazil… Ảnh: Getty

Mục tiêu của ông Jair Bolsonaro sau khi đắc cử là “bình định” đất nước. Chính vì thế, trong bài phát biểu nhậm chức, ông đã nhắc lại lời cam kết sẽ tuân thủ những nguyên tắc dân chủ, tuyên chiến với nạn tham nhũng, tội phạm và cải thiện nền kinh tế.

Ông cũng đưa ra một danh sách dài những cải cách đầy tham vọng cho đất nước Brazil, chẳng hạn tinh giản bộ máy chính quyền, từ 29 bộ xuống còn 15 bộ, ý định tự do hóa nền kinh tế, tư hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn dầu khí khổng lồ Petrobras; triển khai những chính sách mới để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tái khởi động việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài…

Về đối ngoại, tân tổng thống công khai chính sách nghiêng về Mỹ và Israel. Ông Bolsonaro bày tỏ mong muốn xích lại gần hơn với châu Âu và Nhật Bản.

Nhiều cử tri Brazil ủng hộ và tỏ ra hào ứng với những quyết sách của tân lãnh đạo Bolsonaro nhưng cũng không ít suy nghĩ lo lắng. Chẳng hạn quan điểm cứng rắn của tân Tổng thống trong cách chống lại tội phạm khiến nhiều người cho rằng có thể dẫn tới các hệ lụy khôn lường.

Mới đây ông Bolsonaro ban sắc lệnh nới lỏng luật sở hữu súng để những công dân “tốt” có thể sở hữu vũ khí nóng khi đối phó với các loại tội phạm có vũ trang. Trong khi đó đây là vấn đề có tới 61% người dân Brazil phản đối. Cam kết của ông trong việc mở rộng quyền được miễn trừ truy tố với lực lượng an ninh trong việc sử dụng vũ khí sát thương trong khi trấn áp các nghi phạm cũng đã gây hoang mang. Ông từng tuyên bố “Cảnh sát không giết người đã không phải cảnh sát”.

Là người quyết liệt phải đối đồng tính luyến ái, nên dù Brazil hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới từ năm 2013, song với những chính sách mới, cộng đồng LGBT ở quốc gia này nhiều khả năng sẽ đối mặt với những thách thức khó lường. Nhiều nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ và nhân quyền thậm chí lo ngại tân Tổng thống Bolsonaro sẽ phá hỏng những giá trị dân chủ của Brazil…Đặc biệt, không ít người quan ngại vị tân Tổng thống xuất thân từ quân đội và từng ca ngợi những nhân vật độc tài có thể làm hồi sinh những chính sách của chế độ cũ.

Lâm Vy