Lỗi tại tôi
(Baonghean.vn) - Có ai đó nói rằng, trong cái thế giới quá dễ mở miệng đổ thừa này, phải bản lĩnh dường nào mới nói được câu “lỗi tại tôi”.
Bạn tôi - một marketing planner vừa bị đuổi việc vì một lý do khá kỳ cục.
Nó được giao lên kế hoạch truyền thông cho một nhãn hàng, sau khi nghiên cứu yêu cầu của khách, nó lập kế hoạch trình sếp và bị chửi te tua. Ông sếp trực tiếp chỉ đạo định hướng mới mà theo nó là không mấy liên quan đến đề bài. Can gián không ăn thua, cực chẳng đã nó đành làm lại theo chỉ đạo của sếp. Không ngạc nhiên khi công ty nó mất toi hợp đồng vào tay một công ty khác và phản hồi của khách y như nó dự đoán: Lạc đề, không giải quyết được vấn đề khách đặt ra. Đùng một cái ông sếp thay đổi 180 độ, quay ra đổ lỗi cho nó và kết quả thì ai cũng biết rồi đấy. Chưa đầy hai tháng trước khi đến Tết, bạn tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Một cách oan uổng!
Nếu có giải bình chọn cho câu nói khó phát âm nhất trong tiếng Việt, tôi nghĩ không câu nào qua mặt được câu “lỗi tại tôi”. Chỉ ba từ ngắn ngủi nhưng nói ra sao mà khó khăn thế! Chẳng riêng gì trong mối quan hệ sếp - nhân viên mà hầu như trong mọi mối quan hệ xã hội, từ thân thiết, thân vừa vừa, xã giao cho đến lạ hoắc, lạ huơ, ai cũng cố đùn đẩy sang người khác. Ai cũng được, miễn không phải mình.
Tôi nghĩ hiện tượng đó là một chứng bệnh mà chúng ta cần tiêm vắc-xin miễn dịch từ bé, giống như sởi hay viêm gan vậy. Và liều vắc-xin đầu tiên không đến từ ai khác ngoài các bậc phụ huynh. Có phải khi làm sai điều gì đó trước mặt con trẻ, chúng ta thường chọn cách tảng lờ đi để không phải nói ra câu xin lỗi trước mặt chúng? Có phải chúng ta nghĩ rằng việc nhận lỗi sẽ khiến hình ảnh của mình bớt “uy nghiêm” và bớt được tôn trọng trong mắt trẻ thơ? Và như vậy, chúng ta đã lây truyền cho chúng dịch bệnh đổ lỗi - một thứ sẽ bám theo chúng dai dẳng mãi về sau như một cái mụn cóc, khiến chúng trở thành những người vô trách nhiệm và đớn hèn.
Có ai đó nói rằng, trong cái thế giới quá dễ mở miệng đổ thừa này, phải bản lĩnh dường nào mới nói được câu “lỗi tại tôi”. Tôi cho điều ấy đúng quá. Nếu vượt qua được những lo sợ vẩn vơ hèn nhát và thử nói “lỗi tại tôi” một lần, bạn sẽ thấy kết quả chẳng kinh khủng như mình tưởng tượng. Và mối quan hệ giữa người với người cũng sẽ nhẹ nhàng đi nhiều lắm.