“Chảo lửa Thành Vinh” bao giờ sống lại?
(Baonghean.vn) - Đã 18 năm tham gia V-League nhưng cho đến nay, vai trò của cổ động viên SLNA vẫn chỉ giẫm chân tại chỗ cho dù đội bóng xứ Nghệ có Hội CĐV và Hội cũng nhiều lần được VFF trao tặng các danh hiệu xuất sắc.
Có một cổ động viên xứ Nghệ kỳ cựu đã tổng kết công tác hội một cách chính xác trong 2 câu thơ “Tình yêu như con chuồn chuồn/Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay”. Đúng là sợi dây liên kết giữa CLB và các hội, công tác quản lý hội vẫn mang tính chất tự phát, khi SLNA thắng thì đông vui, hồ hởi tập trung 8.000 - 10.000 người, thua thì ngược lại.
Mang tính tự phát
Đã nhiều năm nay, mang tiếng là có Hội CĐV nhưng không còn họp hành, không có định hướng hoạt động và công tác hội viên gần như tự phát. Có ngân sách thì hoạt động, chủ yếu là tổ chức đến sân cổ vũ, còn không là chìm vào im lặng.
Cổ động viên xứ Nghệ phủ vàng sân Hàng Đẫy. Ảnh: An Thanh |
Nguồn thu của các CLB bóng đá chuyên nghiệp, ngoài từ hầu bao của các nhà tài trợ còn có thu từ bản quyền truyền hình, hoạt động kinh doanh thương mại (biển quảng cáo, đồ lưu niệm, áo thi đấu) và tiền vé vào sân. Trong đó, 2 nguồn thu sau liên quan nhiều đến hội cổ động viên, ngay như MU, tiền thu từ bán vé chiếm 20% tổng nguồn thu hàng năm.
Sau khi chạm đáy vào V.League 2017, thì mùa giải vừa qua, khán giả đến sân Vinh đã tăng 58,1% đạt con số 40.500 lượt khán giả/mùa (trung bình 6.750 lượt/trận) nhưng vẫn thấp hơn con số khán giả đến sân trung bình của V.League 2018 là 7.903 lượt/trận. Chưa bằng một nửa sân Nam Định và phân nửa sân Hàng Đẫy, có trận chỉ 2.500 khán giả đến sân, thua xa các trận đấu sân huyện các giải phong trào.
Với vé khán đài A1 70.000 đồng, A2 và A3 là 60.000 còn B và C, D chỉ 30.000 đồng và 20.000 đồng, không khó để chúng ta nhẩm ra doanh thu bán vé của SLNA năm qua, chỉ chiếm hơn 3% tiền chi của mùa bóng.
Thực tế, cách thống kê của BTC V.League chưa thật chính xác, bởi khá nhiều cổ động viên sân khách như Hàng Đẫy, Gò Đậu, Hòa Xuân (Đà Nẵng)…là của SLNA. Nhưng việc cổ động viên xứ Nghệ không còn mặn mà với bóng đá là có thật và chưa có chiều hướng cải thiện dù đội bóng đã có sao Văn Đức, Khắc Ngọc, Xuân Mạnh. Trận đấu nhiều nhất trên sân Vinh mùa bóng là 10 ngàn khán giả, thua xa tốp 5 các trận đấu nhiều người xem tại V.League (từ 17 đến 22 ngàn).
Phải thừa nhận một điều, HLV Đức Thắng là người khá quan tâm đến việc liên kết với cổ động viên, chịu khó nghe, tiếp xúc với các “thủ lĩnh” hội. Anh đã biết chủ động thăm và tặng quà cổ động viên khuyết tật Nguyễn Bá Kỳ, có mặt tại các gala của hội, yêu cầu cầu thủ SLNA nán lại tri ân khán giả sau trận đấu. Nhưng các hoạt động liên kết trước và sau trận đấu vẫn nghèo nàn, không có bàn tay của một người tổ chức.
Khi công tác tổ chức hội thiếu một thủ lĩnh đích thực thì không chỉ SLNA gặp khó khăn trong việc lôi kéo người đến sân mà hoạt động thương mại cũng gặp không ít khó khăn. CLB thì không thể bán áo thi đấu fake, cổ động viên lại chưa có thói quen bỏ tiền mua áo xịn, đắt tiền. Nên mọi việc cứ dẫm chân tại chỗ và đội bóng vẫn cứ phải ngóng hầu bao của nhà tài trợ chứ không thể triển khai kinh doanh bóng đá.
Cấu trúc lại
Ngoài việc tổ chức cổ động trên sân đã trở thành quy trình và rất chuyên nghiệp thì điểm sáng tiếp theo của công tác hội cổ động viên SLNA chính là truyền thông thông qua các trang mạng xã hội.
Những “dòng sông vàng” là một phần không thể thiếu trong các trận đấu của SLNA. Ảnh: An Thanh |
Bên cạnh việc phân tích, bình luận chuyên môn thì hầu như nhất cử, nhất động của BHL, cầu thủ SLNA đều được đăng tải. Những tin tức về bạn gái cầu thủ, mái tóc mới, đôi giày thể thao xịn đều được khai thác tối đa. Khá nhiều trang báo thể thao Việt Nam đã khai thác tin tức qua nguồn này.
Sau 1 thập kỷ Bắc Á gắn bó với SLNA, dường như SLNA sẽ có nhà tài trợ mới trước mùa giải năm sau. Việc Quang Tình, Văn Bình, Hoàng Thịnh đang có mặt tập luyện trên sân Vinh báo hiệu một chiến lược tái cấu trúc lại đội bóng theo hướng tích cực. Vậy có cần cấu trúc lại công tác cổ động hay không? Ai sẽ là người đứng ra làm điều đó?