CPTPP: Giấc mơ ôtô giá rẻ khó thành hiện thực
Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với ôtô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ôtô cũng sẽ không giảm như mong đợi.
Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
11 thành viên của CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam... chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho rằng nếu thuế nhập khẩu về 0% nhưng các thuế phí khác tăng thì cũng khó để giảm giá xe. |
Theo thuyết minh Hiệp định CPTPP, nguyên tắc chung của hiệp định là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế.
Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
Nhiều người Việt hi vọng với sự cắt giảm thuế quan này họ sẽ sớm mua được ôtô giá rẻ. Hiện trong 11 nước thành viên của hiệp định, Việt Nam đang nhập khẩu xe từ Nhật Bản và Canada. Được đánh giá là mặt hàng nhạy cảm nên việc nhập khẩu mặt hàng này vẫn khá chặt chẽ và phải theo lộ trình.
Hiện xe nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam chủ yếu là Lexus, Subaru cùng một số mẫu lẻ của Toyota như Land Cruiser, Prado, Honda Odyssey.
Trả lời về kỳ vọng giá ôtô rẻ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với ôtô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ôtô cũng sẽ không giảm như mong đợi.
"Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ôtô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ôtô. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ôtô", Bộ Công Thương cho hay.
Cụ thể, Việt Nam cam kết sẽ mở cửa hàng rào thuế quan đối với mặt hàng ôtô từ Nhật, Canada trong năm thứ 7 tính từ năm hiệp định được ký kết. Theo đó, ôtô nhập khẩu từ 2 quốc gia này nếu đủ điều kiện về tiêu chuẩn xuất xứ thì sẽ thuế sẽ về 0% theo lộ trình cắt giảm từng năm. Đó là chưa kể những điều kiện gắt gao khác để đạt được tiêu chí thuế 0%. Chẳng hạn như, ôtô phải được sản xuất ở nước sở tại, nếu ôtô Nhật mà sản xuất tại Thái Lan cũng sẽ không được giảm thuế.
Đáng lưu ý, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 13 đối với các loại ôtô mới. Riêng ôtô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.
Việt Nam cũng áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ôtô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Đồng thời, thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất nhập khẩu.