7 cách nuôi dạy giúp con trẻ khỏe mạnh, phát triển tư duy và hạnh phúc

vnexpress.net 21/01/2019 08:58

Phụ huynh nên khuyến khích những khả năng đặc biệt của con, tôn trọng các cách học khác nhau và đọc cho chúng thật nhiều.

Dưới đây là những cách được tạp chí Parents đưa ra nhằm giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tư duy và hạnh phúc với những thành quả sau này.

1. Khuyến khích các khả năng đặc biệt

Mỗi đứa trẻ đều có tài năng, sở trường hay sở thích riêng. Nó có thể xuất hiện trong môi trường học đường truyền thống nhưng có rất nhiều đứa trẻ tỏa sáng sau khi tiếng chuông tan trường vang lên. Vì vậy bạn cần sớm xác định được sở thích, tài năng của con để giúp chúng phát triển.

Nếu điều kiện về tài chính tốt, bạn có thể cho con tham gia các lớp học âm nhạc, võ. Ngược lại, bạn cũng không cần phải lo lắng. Hãy khuyến khích con chơi đuổi bắt trong sân hay nhảy múa ngay trong phòng khách. Chỉ cần được khuyến khích, con đã có cơ hội phát triển trí tuệ, thể chất và tính cách.

Bạn cũng nên tìm cho mình một đến hai sở thích. Việc trẻ nhìn thấy bạn thử một điều gì đó mới mẻ sẽ khiến chúng được truyền cảm hứng và làm những điều tương tự.

Ảnh: Quote Ambition

2. Hoan nghênh và khen ngợi những nỗ lực

Nghiên cứu được thực hiện bởi Carol Dweck, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy tư duy của một người có thể ảnh hưởng đến hành vi.

Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, bà Carol đề nghị phụ huynh nên khen ngợi con vì sự chăm chỉ của chúng thay vì gán cho con những từ như "thông minh" hay "tài năng".

Theo chuyên gia này, những người suy nghĩ mặc định rằng mình tài giỏi thường miễn cưỡng chấp nhận thử thách vì tin rằng thành tích của họ đến từ khả năng bẩm sinh. Cò những người có tư duy phát triển nhờ luôn nỗ lực thường sẵn sàng đối mặt với thử thách hay công việc khó khăn vì họ tin rằng sẽ học hỏi được những kỹ năng mới.

Trên tất cả, bạn cần nhớ rằng lớp học tốt ra sao không phải là điều tiên quyết thúc đẩy một học sinh giỏi thành công trong việc học mà là động lực học tập bên trong con người chúng.

3. Tôn trọng những cách học khác nhau

Việc bạn cần sự yên tĩnh tuyệt đối trong khi soạn email hoặc làm sổ sách không đồng nghĩa với việc con bạn cần môi trường không có tiếng ồn trong khi làm bài tập về nhà.

Vì vậy, đừng áp đặt cho con cách học mà bạn mặc định là hiệu quả. Hãy chú ý đến cách con bạn học tốt nhất để có thể xác định cách học cụ thế cho bé. Ví dụ, nếu con thích những thứ trực quan, hãy cân nhắc sử dụng các thẻ giấy bìa cứng (flash card) khi chúng cố gắng ghi nhớ bảng cửu chương. Nếu con có khả năng liên tưởng, tư duy tốt, hãy giúp cải thiện vốn từ của chúng bằng cách kết nối những từ mô tả với những người như bạn bè, người thân hay nhân vật lịch sử...

4. Đọc, đọc và đọc

Không bao giờ là quá sớm để chọn một cuốn sách và dành thời gian kể chuyện cho con. Đọc sách cho trẻ mầm non sẽ khuyến khích phát triển ngôn ngữ, kỹ năng đọc và giúp chúng thành công ở trường trong tương lai. Ngay cả khi con còn quá nhỏ để hiểu mọi thứ bạn đang nói, chúng cũng sẽ học được cách chú ý đến nhịp điệu của ngôn ngữ, điều này giúp trẻ xây dựng được vốn từ khi nghe.

Trên thực tế, việc đọc đã được chứng minh là giúp ích cho trẻ về mặt cảm xúc. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Giáo dục ở Vương quốc Anh cho thấy trẻ 5 tuổi được bố mẹ đọc sách cho hàng ngày ít có khả năng mắc phải những vấn đề liên quan đến hành vi trong trường học hơn những đứa trẻ khác.

5. Ăn tối cùng nhau

Việc gia đình cùng quây quần và dùng bữa với nhau sẽ giúp con phát triển nhiều về mặt cảm xúc. Trong các bữa ăn, bạn có thể cùng con thảo luận về một số chủ đề gần gũi như "Ngày hôm nay của con như thế nào", "Con đã học ra sao cho bài kiểm tra"? Những chủ đề này sẽ cho con thấy bài học về giá trị của gia đình.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy những đứa trẻ ăn ít nhất năm bữa một tuần với gia đình có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn ở trường và có ít khả năng ăn uống vô tổ chức hơn.

Nếu mọi người trong nhà có lịch trình khác nhau và không thể cùng thưởng thức bữa ăn tối, hãy tìm một bữa khác như ăn sáng hay bữa ăn nhẹ vào buổi tối khi gia đình có thể ngồi cùng nhau và xem xét các sự kiện trong ngày.

6. Cân bằng thời gian ngủ

Việc thiết lập một thời gian ngủ và giữ đúng mỗi ngày có thể mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là nên tắt máy tính và TV trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút. Nếu con có quyền truy cập vào điện thoại di động, bạn nên khuyên chúng sử dụng trước khi đi ngủ bởi rất nhiều trẻ em thừa nhận dùng điện thoại sau khi đã tắt đèn mà bố mẹ không hề biết gì.

Từ cách đây 13 năm, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv đã phát hiện ra rằng chỉ cần thiếu ngủ một giờ là đủ khiến giảm khả năng nhận thức của trẻ nhỏ vào ngày hôm sau. Học sinh lớp 6 mất ngủ vào đêm trước bài kiểm tra lớn có thể đạt kết quả không như mong đợi.

7. Trao cho con những cái ôm vô tận

Hãy ôm con nhiều lần trong ngày để giúp chúng giảm bớt căng thẳng và có cảm giác an toàn. Các nghiên cứu về trẻ em bị bỏ rơi khẳng định những đứa trẻ không nhận được tình cảm từ gia đình có thể bị căng thẳng mãn tính, gây ra những xáo trộn khiến não bộ không thể tập trung, làm giảm khả năng ghi nhớ và học tập.

Ngược lại, việc được ôm một cách nhẹ nhàng có khả năng làm giảm bớt các triệu chứng về tình cảm, hành vi và thể chất liên quan đến căng thẳng. Ôm con không chỉ giúp chúng cải thiện khả năng tập trung mà nó cũng mang lại lợi ích cho bạn.

vnexpress.net