Phòng chống sởi, mẹ đóng vai trò tiên quyết

Thành Chung (Ghi) 22/01/2019 11:48

(Baonghean.vn) - Phòng chống sởi và các bệnh truyền nhiễm cho trẻ thì nhận thức và hành động về tiêm chủng của các bà mẹ là rất quan trọng... Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An trao đổi cùng Báo Nghệ An.

3 tuần đầu tiên tháng 1-2019, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị cho 218 bệnh nhân phát ban nghi sởi. Ảnh: Thành Chung
3 tuần đầu tiên tháng 1/2019, hàng trăm bệnh nhi ở Nghệ An phát ban nghi sởi. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về triệu chứng, cơ chế lây và các biến chứng của bệnh sởi?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Các triệu chứng của Sởi bắt đầu thể hiện từ khoảng 10-12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi. Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho khan; chảy nước mũi; mắt đỏ; không chịu được ánh sáng; những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má; mọc ra những ban đỏ lớn, phẳng và chập vào nhau, ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân...Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 40 độ C.

Sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng và bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể có diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển. Sau khi mắc sởi, trẻ dễ mắc các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng…

Tình hình bệnh sởi ở Nghệ An tại thời điểm này diễn ra như thế nào?

Ở Nghệ An, bệnh sởi xuất hiện rải rác quanh năm. Các tháng mưa lạnh, bệnh có thể tăng cao hơn. Theo hệ thống giám sát ghi nhận, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 81 ca phát ban dạng sởi rải rác ở các xã, phường, trị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, không có ổ dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, thời tiết mùa Đông Xuân này chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi phát triển. Vậy nên, bệnh sởi đang có nguy cơ lây lan mạnh hơn.

Thời tiết trong mùa Đông Xuân này là điều kiện thuận lợi để bệnh Sởi phát triển mạnh. Hiện tại ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang có 90 trẻ mắc sởi được điều trị. Ảnh: Thành Chung
Thời tiết trong mùa Đông Xuân này là điều kiện thuận lợi để bệnh Sởi phát triển mạnh. Hiện tại ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang có 90 trẻ mắc sởi được điều trị. Ảnh: Thành Chung

Trong 81 ca mắc sởi, có một đặc thù dễ nhận thấy đó là độ tuổi mắc bệnh của trẻ rất sớm, đại đa số trẻ mắc dưới 9 tháng tuổi. Điều này cho thấy có nhiều bà mẹ vẫn chưa tiêm phòng sởi – rubella trước khi mang thai nên sữa mẹ không mang theo kháng thể để giúp cho trẻ miễn dịch... Một số ít trẻ lớn hơn 9 tháng tuổi mắc sởi là vì chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi do hoãn tiêm hoặc bị mắc các bệnh lý cấp tính nên gia đình chưa đưa trẻ đi tiêm phòng.

Hiện nay, để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để có thể đưa ra quyết định tiêm sớm vắc xin sởi từ khi trẻ 6 tháng tuổi.

Tiêm phòng chính là giải pháp cần thiết để phòng bệnh sởi - bác sĩ có khuyến cáo gì về điều này?

Để phòng chống mắc bệnh sởi thì tiêm phòng chính là biện pháp đặc hiệu nhất. Khi trẻ được 9 tháng tuổi, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng bệnh sởi và cần nhắc lại mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Các gia đình cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời cũng như thông báo với các cơ quan y tế. Khi trẻ đã mắc sởi, cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị ở nhà. Bên cạnh đó, gia đình cần cách ly trẻ mắc bệnh, không cho trẻ đi học tránh lây lan trong các trường học.

Các gia đình, trường học cần thường xuyên lau rửa sàn nhà, các đồ chơi, vật dụng; vệ sinh cá nhân sạch cho trẻ sẽ giúp giảm nguy cơ lây bệnh. Đối với trẻ bị sởi, việc vệ sinh sạch sẽ rất cần thiết, chỉ cần chú ý không làm trẻ bị lạnh. Nếu không tắm cho trẻ, nguy cơ bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác dễ gây lên các biến chứng khác.

Phòng bệnh sởi, các bà mẹ cần chú ý điều gì?

3 tháng trước thời điểm quyết định mang thai, bà mẹ cần tiêm phòng sởi. Ảnh: Internet
3 tháng trước thời điểm quyết định mang thai, bà mẹ cần tiêm phòng sởi.

Khi thai phụ mắc sởi rất dễ bị bội nhiễm do hệ thống miễn dịch suy giảm và từ đó dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm não, tiêu chảy cấp, mù lòa … Đối với thai nhi, trong 3 tháng đầu có nguy cơ dị dạng, sảy thai rất cao. Trong ba tháng giữa, nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sảy thai. Ba tháng cuối nguy cơ gây dị dạng thai không cao nhưng có thể khiến mẹ bầu phải đẻ non hoặc thai chết lưu.

Những bà mẹ chưa có tiền sử mắc bệnh trước đó, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và tiêm phòng một số bệnh bằng vắc xin như: Sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm … trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

Với trẻ nhỏ, sữa non từ mẹ cung cấp nguồn bổ sung kháng thể trực tiếp tăng cường hệ miễn dịch giúp bé chống lại bệnh tật, do đó các bà mẹ cần tận dụng tối đa nguồn miễn dịch tự nhiên của mình thông qua sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời.

Trẻ trong giai đoạn từ 6 - 36 tháng tuổi được coi là “khoảng trống miễn dịch”, vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, do đó thực phẩm ăn dặm cần phù hợp để tăng cường cho trẻ khả năng chống đỡ với các tác nhân gây bệnh thông qua chế độ dinh dưỡng.

Một lần nữa nhấn mạnh: Không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa được tiêm phòng đều có thể mắc sởi. Vì vậy, mọi người cần chủ động tiêm phòng vắc xin để bảo vệ bản thân.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Thành Chung (Ghi)