Nghệ An: Sức mua hàng hóa sẽ tăng khoảng 20-30% trước và trong Tết Kỷ Hợi

Trân Châu 23/01/2019 09:32

(Baonghean.vn) - Đó là nhận định từ Sở Tài chính về thị trường trước trong và sau Tết Kỷ Hợi năm nay.

Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính cho biết: Theo nhu cầu tiêu dùng các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sức mua hàng hóa tại Nghệ An dự kiến tăng khoảng 20 - 30% so với các tháng khác, tức tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 6.600 tỷ đồng/tháng.

Giá lợn hơi tăng mạnh khiến giá lợn thịt cũng đẩy lên cao. Người chăn nuôi đang rất phấn khởi khi xuất bán dịp này. Ảnh: Quang An

Giá lợn hơi tăng mạnh khiến giá lợn thịt cũng đẩy lên cao. Người chăn nuôi đang rất phấn khởi khi xuất bán dịp này. Ảnh: Quang An

Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở một số mặt hàng thiết yếu, đơn cử như lương thực 26.000 tấn/tháng. Nguồn cung cấp chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng tại thành phố Vinh từ các đại lý, mạng lưới cửa hàng của các đơn vị đầu mối như: Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH XNK Hùng Tiến... và hộ kinh doanh lớn tại các chợ.

Người dân huyện Anh Sơn nuôi gà thả vườn, tỷ lệ tăng đàn từ 15 - 20% để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: Thái Hiền

Với thịt gia súc, gia cầm: nhu cầu tiêu dùng khoảng 6.000 tấn thịt hơi/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên 9.000 tấn. Tổng sản lượng thịt gà, vịt, lợn, bò từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cung ứng 10.000 tấn thịt thương phẩm/năm nên dự báo sẽ đảm bảo nguồn thịt gia súc, gia cầm sản xuất trên địa bàn tỉnh dịp Tết, tuy nhiên, do lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn nên có những thời điểm thị trường vẫn có thể thiếu hàng cục bộ.

Sau Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm sẽ giảm dần và quay về mức ổn định như những ngày thường.

Trong các mặt hàng phục vụ Tết, thủy hải sản dự kiến tăng lên 3.000 tấn/tháng, vượt 1.000 tấn so với các tháng khác bởi mặt hàng này không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp thị trường ngoại tỉnh số lượng lớn.

Cảng cá Lạch Quèn luôn nhộn nhịp. Ảnh: Thanh Yên

Thực phẩm chế biến, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1.500 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết có thể tăng 20 - 25%. Ngoài các mặt hàng chế biến từ hải sản, mặt hàng chế biến còn lại chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành khác.

Riêng các mặt hàng rau, củ nhu cầu tiêu thụ dự ước khoảng 30.000 tấn từ nguồn cung cấp chủ yếu trong tỉnh. Dự báo dịp trước, trong và cả sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng này có xu hướng tăng.

Trân Châu