Thư xin việc của Đặng Văn Lâm đi vào sách "Việt Nam vô địch"

vnexpress.net 24/01/2019 15:10

Hành trình gian nan của "Lâm Tây" khi từ Nga về nước tìm cơ hội làm việc được kể qua trang viết về chân dung các cầu thủ.

Việt Nam vô địch được thực hiện ngay sau khi Việt Nam giành ngôi vương AFF Cup 2018 tháng 12 năm ngoái. Sách tập hợp hơn 30 bài viết của nhiều ngòi bút thể thao có tiếng, những tác giả yêu trái bóng tròn cùng hơn 300 bức ảnh ghi lại chân dung, khoảnh khắc ấn tượng của từng cầu thủ qua các trận đấu.

Sách được kết cấu như một bài luận hoàn chỉnh với phần mở đề, triển khai nội dung và kết. Mở đầu là những bài viết về tinh thần ý chí, sự nỗ lực mạnh mẽ của thế hệ bóng đá Việt Nam. Phần nội dung lần lượt viết về huấn luyện viên, các trợ lý, thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Đoạn kết là niềm tin và tấm lòng người hâm mộ đối với bóng đá Việt Nam trong hành trình tại AFF Cup.

Sách do TriVietBooks và Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch thực hiện.
Sách do TriVietBooks và Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch thực hiện.

Phần chân dung cuộc đời, sự nghiệp của huấn luyện Park Hang-seo và 23 cầu thủ gây chú ý. Tác giả Phúc Vũ viết về hành trình khẳng định bản thân đầy gian nan của Đặng Văn Lâm khi từ Nga trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội năm 2010. Anh nhiều lần thất bại nhưng vẫn đau đáu thi đấu tại quê hương. Tác giả Phúc Vũ dẫn lại lá thư Đặng Văn Lâm viết năm 2015, gửi huấn luyện viên của Việt Nam khi đó - Toshiya Miura: "Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đội tuyển U23 Việt Nam. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự Sea Games... Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ, thì không bao giờ nữa...". Tuy nhiên, phải đến AFF Cup 2018, cơ hội mới mở ra với Văn Lâm. "Chức vô địch AFF Cup là thành quả xứng đáng, chứng minh sự lựa chọn liều lĩnh và đầy rủi ro của Văn Lâm là hoàn toàn đúng đắn. Ở hiện tại, anh nhận số hai, chẳng ai dám lấy số một", Phúc Vũ nhận định.

Tác giả Nguyễn Thế Đại Dương kể câu chuyện về một "chiến binh khóc nhè" Quế Ngọc Hải - về những lần anh rơi nước mắt thất bại trước khi trở thành một trong những thủ lĩnh tinh thần vững vàng của đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Thế Đại Dương viết về cầu thủ ở hiện tại: "Trên sân, Quế Ngọc Hải là điểm tựa tinh thần và là cánh tay nối dài của huấn luyện viên Park. Ông cần một thủ lĩnh trong bối cảnh Anh Đức đã lâu không lên tuyển, Văn Quyết phải dự bị còn Trọng Hoàng là người kiệm lời. Và ông có Hải Quế trong tay - người đủ đức để các em nể, người đủ tài để các anh phục".

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến tích tại AFF Cup. Ảnh: Đức Đồng.
Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến tích tại AFF Cup. Ảnh: Đức Đồng.

Sách cũng vẽ chân dung của Công Phượng - người truyền cảm hứng với thứ bóng đá hoa mỹ, khác biệt. Nhưng cũng chính điều đó khiến anh luôn đứng giữa lằn ranh được ca ngợi - bị chửi rủa, thành người hùng hoặc một tên hề. Tác giả Du Đãng viết: "Đối với Phượng thì đó là khả năng tạo ra cảm xúc và sự phấn khích, cho dù đó là một pha bóng lỗi. Phượng có tư chất thực sự của một người nghệ sĩ. Cậu ấy đưa người ta lên, cậu ấy kéo người ta xuống. Những pha đảo bóng như là chiếc gậy của người nhạc trưởng làm nên bản nhạc của cảm xúc lúc cao vút, khi trầm lắng. Ngày đó, sau vài lần đi bóng loại bỏ hàng hậu vệ, khiến những trái tim trên khán đài, trước màn hình rộn ràng đập mạnh, chờ đợi để vỡ òa nhưng cuối cùng bóng lại sút ra ngoài, thì người hâm mộ đùa nhau rằng 'Phượng lừa cả 90 triệu đồng bào', biệt danh 'Phượng cú lừa' có từ đấy".

Chân dung Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Quang Hải... cũng hiện lên sống động. Qua sách, độc giả cảm nhận rõ hành trình đến với bóng đá cùng mồ hôi, nước mắt của những "chiến binh sao vàng" trên đường đến vinh quang.


vnexpress.net