Phải mạnh dạn sắp xếp lãnh đạo dôi dư

Thu Hằng 24/01/2019 15:25

Nhiều địa phương băn khoăn khi sáp nhập 3 xã làm một, có 3 chủ tịch vừa trẻ, vừa có năng lực biết chọn ai?

Sáng 24/1, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Ai cũng trẻ, cũng giỏi khó sắp xếp

Phó GĐ Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Ngọc Định cho biết, Cao Bằng có 75/199 đơn vị hành chính cấp xã và 3/11 đơn vị hành chính cấp huyện không đủ cả 2 tiêu chuẩn cần sắp xếp lại.

Tuy nhiên, ông Định lo lắng về việc quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và các chức danh theo đúng quy định sẽ khó khăn cho địa phương. Vì số lượng lãnh đạo, cán bộ công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp rất lớn.

“Tính đến thời điểm hiện nay, Cao Bằng có 1.540 cán bộ, công chức cấp xã, sau sắp xếp giảm 41 đơn vị cấp xã dôi dư khoảng 840 người. Trong số này dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi có 163 người.

Trong khi Cao Bằng được Chính phủ hỗ trợ chuẩn hóa cán bộ cấp xã nên hầu hết cán bộ đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và toàn cán bộ trẻ”, Phó GĐ Sở Nội vụ Cao Bằng dẫn chứng và đề nghị nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể việc này.

Phó GĐ Sở Nội vụ Hòa Bình Bùi Duy Phương
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hòa Bình Bùi Duy Phương.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hòa Bình Bùi Duy Phương cũng nêu vướng mắc trong việc sắp xếp số lượng cấp phó. Khi sắp xếp lại có thể 3 xã thành 1 xã.

“Ở Hòa Bình có 1 trường hợp sáp nhập 3 xã thành 1 thì có 3 ông chủ tịch còn trẻ. Nếu giữ nguyên số lượng lãnh đạo sau khi sáp nhập sẽ có 3 ông chủ tịch, nhiều ông phó chủ tịch. Vậy có thể điều chuyển như thế nào để đảm bảo chính sách cho cán bộ chứ giữ nguyên thì vướng”, ông Phương băn khoăn.

Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy cho biết, địa phương gặp khó khi chuyển tiếp số lượng cấp phó sau sắp xếp trong 5 năm. Cụ thể là việc lựa chọn cấp trưởng như thế nào khi họ đều cán bộ trẻ có năng lực.

“Khi sáp nhập 2 xã, có 2 chủ tịch xã đều trẻ, có năng lực để quyết định chọn ai là rất khó khăn”, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị cần có hướng dẫn việc này.

Phó ban Tổ chức tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy
Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó GĐ Sở Nội vụ Bắc Giang cũng than: “Sáp nhập xã khó nhất công tác cán bộ”.

Theo ông Nam, về việc tăng số lượng cấp phó, đối với chủ tịch, phó chủ tịch, Bí thư, phó bí thư thì dễ sắp xếp nhưng với các đoàn thể (có 5 đoàn thể) có cán bộ chuyên trách, nếu sáp nhập 2 xã sẽ có 10 người trưởng, cho 5 ông xuống phó không chuyên trách thì không đúng vì đang là cán bộ chuyên trách.

Phó GĐ Sở Nội vụ Bắc Giang cho rằng, việc sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ này trong 5 năm thì phải tính tổng thể trong 1 huyện.

Ví dụ 1 huyện chỉ sáp nhập 2 xã thì phải phân bổ ra các xã khác. Hoặc có thể liên thông lên tuyến huyện. Vì công chức cấp xã lựa chọn đều qua thi tuyển, có trình độ ĐH trở lên, vì vậy việc chuyển lên làm công chức cấp huyện là bình thường.

Tuy nhiên, ông Nam băn khoăn đang thực hiện tinh giản biên chế nên huyện cũng không còn mấy biên chế, nếu đưa cán bộ xã lên sẽ khó.

Phải mạnh dạn sắp xếp lãnh đạo dôi dư

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn gợi ý phương án điều chuyển những lãnh đạo dôi dư đi những nơi có yêu cầu. Hiện nay, cán bộ công chức cấp xã có đủ điều kiện, tiêu chuẩn có thể được xem xét để chuyển thành cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên.

“2, 3 xã nhập vào, đang có 2,3 chủ tịch xã thì chỉ có 1 người làm chủ tịch thôi, những trường hợp khác nếu tới đây chúng ta liên thông (không phân biệt công chức xã và công chức huyện trở lên) thì chúng ta sẽ thực hiện theo một chính sách khác, mang tính chất tiếp nhận, điều động công tác”, Thứ trưởng nói.

Ông Tuấn cũng gợi ý có nên ưu tiên trong tuyển dụng của tỉnh, kể cả bộ, ngành, TƯ, những người đang làm cán bộ công chức cấp xã đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguyện vọng dự tuyển vào làm việc công chức ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên. Đây là chính sách ưu tiên và cũng là giải pháp giải quyết việc vướng về bố trí sắp xếp khi có nhiều phó, nhiều trưởng.

“Tôi nghĩ đúng ra một xã có 1 chủ tịch UBND và 3 phó và khi nhập lại cũng chỉ nên thế thôi. Còn những trường hợp cũng có năng lực, sức khỏe, có đủ phẩm chất, đủ tiêu chuẩn thì tạo điều kiện, ưu tiên cho họ chuyển đến những cơ quan nhà nước ở trong tỉnh từ cấp huyện trở lên mà còn thiếu biên chế”.

Thường trực UB Pháp luật của QH Trần Hồng Hà cũng nhìn nhận khi nhập lại mà đòi hỏi giảm ngay số lượng lãnh đạo thì rất khó trong bối cảnh hiện nay.

“Nhập lại chắc chắn có dôi dư về lãnh đạo, dôi dư về biên chế. Vấn đề này phải mạnh dạn, quyết liệt. Đồng chí nào sắp đến tuổi nghỉ hưu thì cho nghỉ hưu trước tuổi”, ông Hà nhấn mạnh và cho rằng sắp xếp cán bộ trong 5 năm là quá dài, chỉ nên rút xuống còn 3 năm, sau 3 năm phải bảo đảm số lượng biên chế và lãnh đạo theo quy định.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng nhấn mạnh, các địa phương cần bám sát Nghị quyết 37 của Bộ chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Theo đó, chậm nhất 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.

Ông Tân cho rằng, các địa phương có nhiều cách để làm, có thể sắp xếp từ công chức cấp xã lên huyện, để tiến đến năm 2021 liên thông cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh.

Thu Hằng