Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2019
(Baonghean.vn) - Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH; Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu; Các điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy; Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới... là những thông tư, chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu lực từ tháng 2/2019.
1. Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 1/1/2019, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.
2. Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu
Thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư 122/2018/TT-BTC
Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ được chi cho các khoản sau:
- Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc;
- Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm;
- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2019.
3. Các điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy
Theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, việc chuyển đổi từ chứng từ điện tử (CTĐT) sang chứng từ giấy phải đáp ứng đủ 05 điều kiện (so với quy định hiện hành chỉ yêu cầu đáp ứng 03 điều kiện) thì mới được chuyển đổi, đơn cử như:
- Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT;
- Có thông tin thể hiện CTĐT đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin;
- Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi;
- Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường;…
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/2/2019.
4. Chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip
Việc chuyển đổi có lộ trình và được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau:
- Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
- Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/02/2019.
5. Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:
- Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
- Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.
- Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.
6. Quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên
Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:
- Đối với giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III: Tập sự 12 tháng. Trước đây giáo viên THPT chỉ cần tập sự 09 tháng.
- Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III: Tập sự 09 tháng
- Đối với giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV: Tập sự 06 tháng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.