Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi “sổ đỏ” tại các địa bàn ven đô
(Baonghean) - Đã sáp nhập về thành phố Vinh được hơn chục năm, nhưng đến nay, việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất ở các xã (vốn thuộc Nghi Lộc và Hưng Nguyên) sau sáp nhập vẫn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Tiến độ chậm
Bốn khối Châu Hưng, Yên Cư, khối 1, khối 2 thuộc xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) được sáp nhập vào thành phố Vinh theo Nghị định số 45/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí đến cuối năm 2016 mới hoàn thành được việc đo đạc và phê duyệt bản đồ địa chính. Tổng số hộ cần cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả 4 khối này là 1.256 hồ sơ, tuy nhiên, số GCNQSD đất đã được cấp chỉ mới được 315 hồ sơ.
Bí thư chi bộ và khối trưởng khối Châu Hưng ( Phường Vinh Tân) trao đổi về tình hình cấp đổi GCNQSD đất trên địa bàn khối. Ảnh: Gia Huy |
Tại khối Châu Hưng đến nay đã kê khai được 300/350 hồ sơ. Ngoài kê khai nộp theo kế hoạch của xã thì có 45 hộ tự đi làm thủ tục và nộp hồ sơ trực tiếp. Theo ông Trần Anh Đức - Khối trưởng khối Châu Hưng, hiện vẫn còn 27 hộ dọc nhà văn hóa khối vì ngày xưa đo đạc theo kiểu thủ công nên số diện tích đất thực tế sử dụng và diện tích trong bìa có sự chênh nhau. Ngoài ra còn có 5 hộ ở vùng Bàu Hói Lác liên quan đến việc bán đất, giao đất không đúng quy trình, thủ tục ngày xưa, nay đã có chủ trương tạo điều kiện cho người dân làm bìa nhưng nhiều người vẫn chưa được làm.
“Việc chậm cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Như việc đi vay vốn ngân hàng để kinh doanh rất khó khăn, vì là công dân của thành phố nhưng bìa đất lại thuộc huyện Hưng Nguyên nên không được vay, ngoài ra còn những khó khăn trong vấn đề tách hộ, tách bìa, chuyển nhượng. Một số hộ đã hoàn thành các khoản lệ phí liên quan và hoàn tất hồ sơ đã gần 1 năm nhưng vẫn chưa có bìa ”, ông Đức cho hay.
Đó cũng là tình trạng chung của một số hộ thuộc 5 xã Hưng Chính (trước thuộc huyện gồm Hưng Nguyên), Nghi Liên, Nghi Kim, Nghi Ân, Nghi Đức (trước thuộc huyện Nghi Lộc) sau sáp nhập vào thành phố vẫn mòn mỏi chờ thực hiện cấp đổi GCNQSD đất.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số hồ sơ của các đơn vị sáp nhập đã kê khai là 16.025 hồ sơ, trong đó đã cấp được 10.375 GCN đất ở và 3.953 GCN đất nông nghiệp), đạt 65,1% số hồ sơ kê khai. Số hồ sơ đang ở cấp xã: 5.535 (đất ở: 4.002, đất NN: 1533), hồ sơ đang ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Sở TN&MT, Cục Thuế là 183 bộ.
Nhiều vướng mắc
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vinh Tân có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ trong cấp đổi GCNQSD đất ở các khối sáp nhập nhưng khó nhất vẫn là việc xác định nguồn gốc đất của các hộ gia đình. Tại bản đồ đo đạc năm 2016, số diện tích của các hộ gia đình tăng lên quá lớn so với bản đồ CT99 và giấy CNQSD đất do UBND huyện Hưng Nguyên đã cấp trước đây, trong khi hồ sơ đất đai bàn giao không đầy đủ. Mặt khác, một số trường hợp giấy chứng nhận do UBND huyện Hưng Nguyên trước đây bị sai lệch nội dung, thông tin người sử dụng, họ, tên đệm, sai thông tin thửa, tờ có sửa chữa, tẩy xóa nên việc xử lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều hộ dân dọc nhà văn hóa khối Châu Hưng ( Phường Vinh Tân) chưa được cấp đổi GCNQSD đất. Ảnh: Gia Huy |
Một số hộ và cá nhân trước đây được UBND xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), Ban cán sự các xóm tự bán đất hoang, ao hoang (nhiều hộ đã xây dựng nhà ở) nhưng chỉ có giấy tờ viết tay. Một số hộ (chủ yếu là ở khối Yên Cư) đã được UBND huyện Hưng Nguyên cấp GCNQSD đất từ năm 1996, tuy nhiên lại cấp chung với các thửa đất nông nghiệp do các hộ tự khai hoang và sử dụng qua nhiều đời. Khi con cái xây dựng gia đình bố mẹ cho con miếng đất (đất nông nghiệp hay đất ao) để xây dựng nhà ở, tách hộ nên hiện việc cấp giấy chứng nhận gặp khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm, xây bao...
Còn ông Đinh Nho Tài - Chủ tịch UBND xã Nghi Đức cho hay: “Ngoài khó khăn do có sự Vênh nhau giữa diện tích thực tế sử dụng so với diện tích trong GCNQSD đất đã được cấp năm 1996. Còn có trường hợp các hộ gia đình tự điều chỉnh ranh giới với nhau dẫn đến kích thước, hình thể thửa đất biến động. Một số thửa đất bản đồ năm 1996 hình thể ranh giới không đúng với hình thể hiện trạng đang sử dụng và bản đồ năm 2009”.
Bên cạnh đó, hiện nay quy hoạch chi tiết phân khu xã Nghi Đức tỷ lệ 1/2000 đã được các ban, ngành UBND thành phố thông qua, tuy nhiên chưa được UBND tỉnh phê duyệt, do vậy nhiều thửa đất của các hộ dân vẫn bị ảnh hưởng quy hoạch chi tiết xã Nghi Đức năm 2010 dẫn tới hạn chế quyền lợi của dân như tách thửa, chuyển mục đích, vay vốn ngân hàng...
Mặt khác, thời gian qua, Nghi Đức đang tập trung cho việc GPMB thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố ảnh hưởng đến tiến độ cấp đổi GCNQSD đất trên địa bàn. Hiện tại ở xã Nghi Đức, tổng số hồ sơ đất ở đã được cấp GCNQSD đất là 1.060/1.740 hồ sơ kê khai, đạt 60%; đất nông nghiệp đã cấp 1.320 GCN/1397 hồ sơ đạt 94.5%, còn 77 hồ sơ (trong đó 48 hồ sơ được giao theo Nghị định 64/CP nhưng năm 2003 cấp lại giấy chứng nhận đất ở không cấp đất nông nghiệp trong giấy chứng nhận và 29 hồ sơ ở các xóm do công dân chưa bổ sung được văn bản phân chia thừa kế).
Cán bộ xã Nghi Đức ( TP Vinh) hướng dẫn công dân làm hồ sơ CGCN QSD đất. Ảnh: Gia Huy |
Trong báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2016 - 2018, ngoài việc nêu rõ nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi, một số nội dung chồng chéo, một số quy định không có tính kế thừa, không phù hợp thực tiễn. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai buông lỏng trong một thời gian dài, dẫn đến hồ sơ địa chính qua các thời kỳ không được lưu trữ đầy đủ, bản đồ trước đây đo nhiều loại đất; việc cấp đổi đất gắn với việc thực hiện công nhận lại hạn mức đất ở trước năm 1980 nên phải mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc đất. Một số công dân chưa phối hợp kịp thời để hoàn thiện hồ sơ, nhất là vấn đề liên quan đến văn bản phân chia tài sản thừa kế; giấy tờ chứng minh thời điểm sử dụng đất; thỏa thuận về tỷ lệ đất ở do tách ra từ thửa đất gốc trước 19/12/1980...
Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Một số xã chưa xác định nhiệm vụ cấp đổi GCNQSD đất là nhiệm vụ chính trị của xã, không tập trung cao cho việc kiểm tra, hướng dẫn, xác nhận hồ sơ, chất lượng xác nhận hồ sơ thấp phải trả về bổ sung nhiều lần. Có những xã hồ sơ tồn đọng nhiều nhưng chưa tập trung xử lý. Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận còn hạn chế nên trong quá trình xử lý còn lúng túng. Tính chủ động và ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ làm công tác quản lý đất đai chưa cao.
Tăng cường cải cách hành chính
Để đẩy nhanh tiến độ cấp đổi GCNQSD đất, nhất là ở các địa bàn được sáp nhập vào thành phố Vinh, ngoài việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp trong xử lý hồ sơ, UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ, giảm số lần đi lại cho nhân dân.
Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để phục vụ quản lý, khai thác dữ liệu đất đai, thực hiện việc kết nối phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ đất đai giữa thành phố và phường, xã; giữa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở thành phố với các phòng, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, định kỳ UBND thành phố Vinh tổ chức các buổi nghe tiến độ cấp giấy chứng nhận và bàn phương án giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc; hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ cho Văn phòng đăng ký QSD đất và UBND các phường, xã đã sáp nhập vào thành phố Vinh trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cấp đổi GCNQSD đất.
Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các xã mới sáp nhập vào thành phố Vinh còn rất chậm. Ảnh: minh họa |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan nhiều đến việc xác minh nguồn gốc đất đai mang tính chất phức tạp nhưng cán bộ địa chính phường, xã năng lực còn hạn chế, phụ trách nhiều mảng lại thường xuyên bị luân chuyển giữa các địa bàn nên ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ cấp đổi.
Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục phân công cán bộ Văn phòng đăng ký QSD đất trực tiếp xuống các phường, xã để hướng dẫn, đôn đốc tiếp nhận hồ sơ, UBND thành phố cần biệt phái cán bộ có chuyên môn của thành phố về tại phường, xã có số lượng hồ sơ lớn, nhiều vướng mắc hay địa bàn trọng điểm về bồi thường, GPMB để hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp đổi GCNQSD đất.